Nếp nhà dân tộc của người Nhật Bản

Lượt xem:


Các nhà dân tộc học nhận thấy tại Nhật Bản nhiều ngôi nhà cổ xưa đã cũ kỹ, nhưng rất nhiều người vẫn mong muốn được sống trong lối kiến trúc ngày xa xưa này. Tại nông thôn và các thị trấn nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi nền văn minh tiên tiến, các phòng ốc trong kiến trúc cổ vẫn còn giữ nguyên phong vị dân tộc. Nhưng tại các đô thị sầm uất thì những ngôi nhà kiểu đó đã bị kiến trúc hiện đại lấn át hầu như hoàn toàn.

Khi đi sâu phân tích về mặt kiến trúc, có thế thấy kết cấu chống đỡ chủ chốt của ngôi nhà truyền thống là bộ khung lắp ghép từ những súc gỗ thô và tựa lên nhiều hàng cột nâng. Lối kiến trúc này khiến các nếp nhà hết sức vững chãi, ít có nguy cơ bị sụp đổ do động đất. Tường chịu lực được thay bằng những khung hình lưới mắt cáo, dán giấy đục phủ ở ngoài. Những khung này có thể xê dịch dễ dàng, thậm chí không cần trổ cửa sổ nếu tháo đi một vài bức khung. Mái nhà thường rất lớn để che ánh nắng trưa gay gắt nhưng không cản trở nắng sớm ban mai dịu mát.

Cả vách trong và ngoài thường không bao giờ quét vôi, phần bên trong bao giờ cũng được gia công kỹ lưỡng cho tăng vẻ mỹ quan và phần bên ngoài thì phó mặc cho thiên nhiên hoàn thiện giùm. Mái nhà lợp bằng lau sậy, sạm dần cùng với thời gian, tôn thêm vẻ cổ kính u hoài. Những loại mái nhà này rất dễ bắt lửa, gây hỏa hoạn, nên hiện thời dần được thay bằng mái ngói.

Nếu nằm lọt trong một thành phố lớn, ngôi nhà dân tộc thường không còn những vuông sân nhỏ vây quanh, nên trẻ con phải chơi ngay giữa mặt đường. Chỉ những ai dư giả mới dám bỏ tiền ra mua thêm đất, dựng lên hàng giậu xung quanh và biến những vuông đất kia thành những mảnh vườn nhỏ với những trụ đá để treo đèn lồng, thậm chí dựng thêm một trà thất nhỏ. Nhưng ngay cả khi không có đất thừa, người Nhật vẫn cố tìm mọi cách để xây dựng kiến trúc nhỏ, trông tựa như một khoảnh vườn con con.

Nếp nhà dân tộc nào ở Nhật Bản cũng thường có một lối vào trước mặt tiền, xây cao hơn mặt đất gọi là genkan, để làm nơi cởi giày và hai phòng liền vách nhau, sàn trải chiếu, cùng một nhà bếp nhỏ, một phòng vệ sinh và một buồng tắm. Ngăn cách giữa các phòng là những tấm bình phong bằng giấy bồi có thể xê dịch dễ dàng. Nếu dẹp bỏ những tấm bình phong, có thể có một diện tích rộng bằng diện tích nhà đang cư ngụ. Bầu không khí ngự trị trong nếp nhà dân tộc Nhật Bản nhìn chung là bầu không khí thể hiện tinh thần kính nể rất mực, thậm chí có thể nói là thượng tôn. Đàn ông được coi là người nuôi sống gia đình, chúa tể trong giang san nhỏ bé này. Đàn bà có bổn phận tận tụy hết mình với việc bếp núc, phục dịch chồng con, suốt ngày tất bật chạy lên chạy xuống trong nhà, không biết một thứ gì khác bên ngoài xã hội.

Vào buổi sáng, nữ chủ nhân sẽ mở hết cửa ra vào để thông thoáng toàn bộ căn nhà, lau chùi sạch sẽ mọi thứ đồ đạc, bàn tủ khung cửa và quét sàn cho sạch bóng. Tiếp đó, bà lại lầm lũi một mình rửa dọn, giặt giũ, là ủi,… Bà đặc biệt nâng niu các dụng cụ làm bếp, rửa đi rửa lại, đánh tới đánh lui, treo lên hạ xuống luôn tay, gian bếp được bà chăm chút lâu nhất, bởi chỉ nơi đó người phụ nữ Nhật Bản cảm thấy mình là chủ, cai quản hết mọi thứ. Đó là hình ảnh người ta thường thấy trong nếp nhà dân tộc truyền thống ở Nhật Bản./.

PT. Theo tạp chí Nippon