Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật chất lượng cao

Lượt xem:


Được sự hỗ trợ về kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại 2 xã có nghề nuôi ong phát triển là Chiềng Sàng (Yên Châu) có trên 1.500 đàn và xã Hát Lót (Mai Sơn) với trên 500 đàn.

Mô hình nuôi ong mật theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Hát Lót (Mai Sơn).

 

 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình; các hộ đảm bảo các tiêu chí theo hợp đồng, cam kết tham gia đối ứng và thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật. Tổ chức 3 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia về quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, nguồn mật và phấn hoa đến kỹ thuật nuôi và khai thác mật; công tác thú y, định hướng thị trường và hạch toán... Đồng thời, phổ biến các văn bản quy định hiện hành về nuôi ong lấy mật và sản phẩm mật ong bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong an toàn (chương trình VietGAHP). Lựa chọn cán bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí về trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, luôn bám sát cơ sở để chỉ đạo mô hình. Tổ chức đấu thầu lực chọn đơn vị cung cấp giống, vật tư đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng yêu cầu của Dự án.

 

 

Qua thời gian triển khai thực hiện mô hình từ tháng 3 đến tháng 12/2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa tổ chức 2 hội nghị tổng kết tại xã Chiềng Sàng và xã Hát Lót. Mô hình hỗ trợ 200 đàn ong ngoại/10 hộ (mỗi hộ 20 đàn), 50% lượng thức ăn và vật tư thiết yếu. Ngoài ra, các hộ còn được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật 3 lần trong quá trình triển khai mô hình. Theo đánh giá, mô hình đã đạt được hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường. Do áp dụng quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAHP nên giảm thiểu nguy cơ rủi ro lây truyền dịch bệnh, ong khỏe mạnh, ít bệnh, năng suất mật cao. Đặc biệt giống ong ngoại có nhiều điểm ưu việt, tính tụ đàn cao, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, thích nghi di chuyển ong khai thác được nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn. Từ 200 đàn giống hỗ trợ, đến nay đã nhân lên được 294 đàn, có 25 hộ ngoài mô hình được tiếp cận Dự án và nguồn giống từ mô hình là 94 đàn. Đến nay, số đàn ong đã được nhân lên 8-10 đàn/hộ, số cầu trong mỗi thùng cũng được nâng lên đủ tiêu chuẩn để khai thác mật (mỗi thùng 7 - 8 cầu). Từ tháng 9 đến 11/2017, các hộ đã khai thác được 3,85 kg mật/đàn, 3 kg phấn hoa có chất lượng cao; sản lượng mật bình quân sau 3 tháng (5 lần quay) đạt 19,3 kg/đàn. Sau khi trừ chi phí thu lãi 2.172.000 đồng/đàn, hiệu quả kinh tế tăng 13,4% so với cách nuôi truyền thống. Các sản phẩm của Dự án đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ rất thuận lợi.

 

Hộ ông Nguyễn Văn Mạch, bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng (Yên Châu) đạt sản lượng cao nhất là 24,5 kg/đàn, cho biết: Được tham gia mô hình, được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi áp dụng đúng kỹ thuật vào nuôi ong, chỉ sau 5 tháng, đã nhân đàn từ 20 đàn ong ban đầu lên 30 đàn ong hiện đang khai thác. Năng suất mật bình quân đạt 34,5 - 5 kg/đàn/lần quay. Từ tháng 9 đến tháng 11/2017, tôi đã khai thác được 5 lần, bình quân đạt 24,5 kg/đàn, đã bán được trên 7 tạ mật, trừ chi chí thu 6 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi sẽ tuyên truyền, vận động hiệu quả của mô hình để nhiều nông dân học tập và làm theo.

 

Dự án đã tạo cơ hội cho người nuôi ong được tiếp cận với kỹ thuật mới về nuôi ong; tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân áp dụng các biện pháp để nuôi ong an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, khai thác được thế mạnh của địa phương như nguồn lao động, nguồn mật và phấn hoa; giúp người dân xoá bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, bằng giống nội, không di chuyển đàn, giảm sự lây lan dịch bệnh, từng bước nâng cao chất lượng mật ong. Thành công bước đầu của Dự án nuôi ong lấy mật chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAHP đã góp phần thiết thực vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với định hướng đưa ngành chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất hàng hoá và phát triển bền vững, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Theo Báo Sơn La