Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD

Lượt xem:


Ngày 19/12, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đại diện các bộ, ngành, hiệp hội đã dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 12/12, hệ thống hải quan ghi nhận XNK hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, dấu mốc kim ngạch XNK hàng hoá đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, sự nỗ lực của mỗi DN, mỗi người nông dân và trực tiếp là ngành hải quan. 

Cùng với việc gia tăng kim ngạch XNK, trong 2 năm qua, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD, dự kiến cả năm là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần cho Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính và ngành hải quan trong năm qua đã nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành. 

Trong những năm qua, hoạt động XNK của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Nếu như đầu thập niên của thế kỷ 21-năm 2001-, tổng kim ngạch XNK mới chỉ ở con số khiêm tốn - hơn 30 tỷ USD, thì sau 6 năm (năm 2007), tổng kim ngạch XNK cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD. Bốn năm sau (năm 2011), quy mô XNK đã tăng gấp đôi, chạm mốc 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được sau 4 năm tiếp theo (năm 2015) và chỉ cần một nửa khoảng thời gian đó, tháng 12 năm 2017, tổng kim ngạch XNK đã chinh phục mức 400 tỷ USD. 

Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay, sau 10 năm, tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần. Nhờ đó, thứ hạng về XNK của Việt Nam theo đánh giá của WTO đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tăng từ vị trí 50 năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016. Tương tự, nhập khẩu từ vị trí thứ 41 lên vị trí 25 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, góp phần vào thành tích chung này, trong thời gian, ngành hải quan đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính với quyết tâm cao, hiện thời gian thông quan hàng hoá không quá 3 giây. Mục tiêu của ngành là đón nhận thêm kỷ lục mới cả về chất và lượng, đặc biệt là có thể cán mốc kim ngạch XNK đạt 500 tỷ USD trong 2 năm tới. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, điều này là hoàn toàn có thể bởi Việt Nam hiện có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị  trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2017. Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD. 

Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á trong 11 tháng năm 2017 đạt 257,4 tỷ USD, tăng tới 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (67%) trong tổng kim ngạch XNK cả nước. XNK giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ cũng đạt kim ngạch 62,16 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này với thị trường châu Âu là 52,89 tỷ USD, tăng 13,8%; châu Đại Dương là 7,07 tỷ USD, tăng 24,5% và châu Phi là 6,25 tỷ USD, tăng 27,6%. Trong 11 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức thặng dư cao nhất kể từ trước đến nay với 3,17 tỷ USD. Mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động XNK của nhóm DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Nêu ra những yêu cầu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan tiếp tục rà soát thủ tục chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK; tiếp tục hiện đại hoá hải quan tới năm 2020 theo chiến lược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến; nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, XNK, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện.

Minh Huệ