Những nỗ lực của doanh nghiệp trong công tác thu ngân sách và phát triển kinh tế xã hội địa phương

Lượt xem:


Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, những năm qua cộng đồng các doanh nghiệp doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, hàng năm, các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tại địa phương.

Như chúng ta đã biết: Vai trò của doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế bởi lẽ doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm xã hội; huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng tưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trên con đường đi tới sự thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp thì đều có một điểm chung là trải qua nhiều sóng gió trên thương trường; vượt qua bao khó khăn thử thách, nêu cao ý thức tự lực tự cường, nghiên cứu thị trường nắm bắt nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nắm bắt thời cơ, vận hội và tiếp cận kịp thời xu thế, định hướng phát triển của đất nước; hội nhập kinh tế quốc tế để có những định hướng, chiến lược kinh doanh phù hợp.

    Toàn tỉnh Sơn La có 1.801 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân có 588 doanh nghiệp, chiếm 32,65%; Công ty TNHH có 709 doanh nghiệp, chiếm 39,37%; Công ty cổ phần 504 doanh nghiệp, chiếm 27,98%. Trong đó DNNVV chiếm hơn 97%, sử dụng hơn 50% lao động, tạo 47% GDP và đóng góp trên 50% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Cũng như doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước, doanh nghiệp và doanh nhân Sơn La đang đứng trước thời cơ và thách thức. Việt Nam gia nhập WTO, Hiệp định thương mại tự do cộng đồng Asian( AFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU( EVFTA), Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái bình dương( TPP) mở ra cơ hội lớn cho các dòng vốn đầu tư, hàng hóa, lao động, công nghệ. Nhưng đây cũng là thách thức rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp, doanh nhân địa phương.

 

      Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư trên địa bàn, những năm qua tỉnh Sơn La đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy nhanh phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích khởi nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định, các cấp, các ngành và địa phương đã có rất nhiều ưu đãi, “trải thảm đỏ” thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư vào tỉnh. Điều này góp phần cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, khơi gợi lớp doanh nhân trẻ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh thành công.

 

Bên cạnh những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tình, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện, năng lực, sở trường của mình, các doanh nhân sẽ quyết định hướng đi của mỗi doanh nghiệp: Một số doanh nhân nhận thấy lợi thế  từ các  sông, suối là điều kiện tốt cho việc xây dựng các thủy điện nên đã đầu tư vào lĩnh vực này, hàng năm các doanh nghiệp này đã góp phần không nhỏ cho ngân sách nhà nước trên địa bàn. Nếu như năm 2016 số nộp từ các thủy điện 1. 998 tỷ đồng, chiếm 50% trên tổng thu ngân sách thì đến năm 2017 số nộp từ  các doanh nghiệp đạt 2. 015 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thu ngân sách và đến 31/9/2018 các doanh nghiệp này đã đóng góp cho ngân sách nhà nước là 1.471 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số doanh nhân  lại nhận thấy nguồn đá vôi, sét cao lanh trữ lượng lớn, chất lượng tốt, nên đã đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, cát chất lượng cao, đá xây dựng, gạch không nung. Điển hình trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng I Sơn La, đây là một đơn vị bất chấp sóng gió thị trường, luôn trụ vững trên thương trường nhiều năm qua. Với ngành nghề sản xuất và cung cấp gạch nung và không nung cho thị trường Sơn La và vươn cả sang nước bạn Lào, hàng năm công ty đã đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 7 tỷ đến 8 tỷ đồng/năm. Là một địa phương có thế mạnh trồng ngắn ngày vào loại cao của cả nước,  như: ngô và sắn, cà phê, cây chè, cây chuối, cây mận hậu, soài, nhãn, chanh leo...từ thế mạnh này, nhiều doanh nhân đã hướng tới việc phát triển công nghiệp chế biến qua việc xây dựng các nhà máy chế biến hoa quả và dịch vụ xuất khẩu. Mặc dù số thu này lĩnh vực này còn hạn chế vì đều là các doanh nghiệp mới thành lập nhưng sẽ là nguồn thu ổn định bền vững của tỉnh nhà.

 

Cao nguyên Mộc Châu và các danh lam thắng cảnh đẹp cùng với những lễ hội truyền thống;  những cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu, những đồng cỏ, đồi chè bát ngát của vùng có khí hậu ôn đới trong lành và là cơ hội tốt để các doanh nhân khai thác phát triển các dịch vụ du lịch. Việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp này đã góp phần tăng diện mạo, cảnh quan môi trường và tích cực đóng góp cho ngân sách. Những năm qua do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, giảm nguồn vốn đầu tư xây dựng nhằm kiềm chế lạm phát, do đó nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực giải thể, phá sản. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã biết tìm cho mình một hướng đi để tồn tại và từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên. Nhiều doanh nghiệp không chỉ đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước mà còn có tỷ lệ tăng trưởng cao vượt bậc so với cùng kỳ năm trước và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực XDCB đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước đó là: Công ty cổ phần thủy điện Nậm Hồng, mức đóng góp trung bình hàng năm khoảng 1 tỷ đồng; mức đóng góp trung bình hàng năm của tổ hợp SX khai thác đá Đức Hiền gần 2 tỷ đồng...

 

 Điểm tên doanh nghiệp "Đầu tầu" phải kể đến Công ty Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Điểm nhấn của Công ty là từ năm 2005 Công ty chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần. Từ một doanh nghiệp khó khăn về mọi mặt, sản xuất chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp khác, Công ty đã kiên trì theo con đường tự lập, tự cường, chủ động và mạnh dạn đầu tư theo hướng “ đi trước, đón đầu” áp dụng những công nghệ và thiết bị tiên tiến, sản xuất đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, vững vàng trong cơ chế thị trường,  khẳng định vững chắc vị thế của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Số nộp ngân sách nhà nước hàng năm của Công ty đều  trên 100 tỷ đồng/ năm. Bên cạnh đó, Chi nhánh xăng dầu Sơn La đóng góp cho NSNN trung bình hàng năm  trên 200 tỷ đồng/ năm; Công ty Thủy điện Sơn La 1.290 tỷ đồng/ năm;  Công ty TNHH nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Sơn La khoảng 50  tỷ đồng/ năm; Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La trên 20 tỷ đồng/ năm; Công ty cổ phần An Thịnh nộp 10 tỷ đồng/ năm; DNTN Đinh Hoàng trên 3 tỷ/ năm.

 

    Ngược dòng với định hướng kinh doanh của đa số các doanh nhân là chỉ hướng vào một số ngành nghề nhất định thì doanh nhân Phan Thanh Tùng, giám đốc DNTN Thanh Tùng ( nay là công ty TNHH một thành viên Thanh Tùng) lại có phương châm kinh doanh “Bỏ trứng nhiều giỏ” để phân tán rủi ro và đảm bảo an toàn vốn. Ông xứng đáng là điểm sáng về bản lĩnh, ý chí một doanh nhân vượt khó làm giàu qua những thành quả trong kinh doanh: Ngày đầu mới bước chân vào thương trường, từ một doanh nghiệp tư nhân xây dựng  các công trình dân dụng, giao thông tủy lợi ở vùng sâu, vùng xa rồi tới những công trình có quy mô lớn của tỉnh, sau đó ông mạnh dạn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ khách sạn trong và ngoài tỉnh, dịch vụ taxi sao xanh đến việc chăn nuôi gia súc...Mặc dù rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhưng không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục  thực hiện khát khao của mình đó là mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực giáo dục, từ đó trường mần non Ngọc Linh ra đời, 10 năm sau ông lại tiếp tục mở thêm trường tiểu học Ngọc Linh, lĩnh vực “Trồng người” của ông được cả tỉnh biết đến qua chất lượng đào tạo. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nghiệp của ông luôn là đơn vị điển hình trong việc thực hiện nghi vụ với ngân sách nhà nước. Trung bình hàng  năm công ty đóng góp khoảng tỷ đồng tiền thuế, riêng 9 tháng đầu năm 2018 Công ty đã nộp trên 600 triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

 

Với kết quả đã đạt được trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nhân Sơn La đã xứng đáng với các danh hiệu: “Doanh nhân TâmTài”, “Doanh nhân tiêu biểu Asian”;  “ doanh nhân tiêu biểu toàn quốc”;  “doanh nhân văn hóa”...Nhiều doanh nhân đạt giải thưởng chất lượng Việt Nam, doanh nghiệp khoa học; trí thức tiêu biểu điển hình lao động sáng tạo...Bên cạnh đó, trung bình hàng năm có gần 200 tổ chức, cá nhân được tôn vinh về thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Phát huy và kế thừa những thành quả đã đạt được, tin tưởng rằng các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước và góp phầntích cực vào sự nghiệp phát triểnkinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà./.

 

                                                                         Thu Mây