Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do kế hoạch giao vốn chậm

Lượt xem:


Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 16/10, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do còn nhiều vướng mắc.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, sau 3 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định như quy mô đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực; cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư; khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng áp lực đến cân đối NSNN; khắc phục tình trạng thiếu thông tin theo dõi giám sát các dự án đầu tư công. 

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện để giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Những nguyên nhân này khiến tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ. Chưa kể, việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng. Tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; chưa thực hiện được định hướng “khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư”.

Sau khi chỉ ra những tồn tại, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư công và các luật liên quan.

Cùng ngày, khi báo cáo thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Nghị quyết 24/2016/QH14, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, 4 trong 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết liên quan đến cơ cấu lại NSNN và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đã đạt kết quả khả quan. Cụ thể, 41% các chỉ tiêu dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với bình quân các nước ASEAN 4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về SCIC; cơ cấu lại NSNN; thực hiện quá trình đô thị hóa. Một số nhiệm vụ được thực hiện nhưng chưa thực sự phù hợp với tinh thần, quan điểm cải cách tại Nghị quyết số 24 của Quốc hội, mà mới chỉ cải thiện hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, một số nhiệm vụ đã được triển khai nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị xây dựng bộ chỉ tiêu để đánh giá cụ thể, toàn diện kết quả cơ cấu lại nền kinh tế.

Để đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện; triển khai áp dụng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

M. Huệ