Chuyện khởi nghiệp của những thanh niên vùng cao

Lượt xem:


Ấn tượng lần đầu khi gặp chàng trai Thào A Lo là tính cách cởi mở, dễ gần, nhanh nhẹn, khéo ăn nói, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi. Anh Lo là một trong 2 chàng trai dân tộc Mông được mời tham luận tại “Diễn đàn Giao lưu - Khởi nghiệp” năm 2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp, Tỉnh Đoàn và Trường Đại học Tây Bắc phối hợp tổ chức. Anh là một trong những thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái khủng long Háng Đồng.

Tới Homestay của gia đình anh Lo dịp cuối tuần nên lượng khách du lịch lưu trú có gần 20 người đến từ Hà Nội, Hòa Bình. Sau khi phục vụ cơm tối cho các đoàn khách du lịch, 21 giờ tối, tôi cùng gia đình anh Lo mới quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Mời thưởng thức rượu thóc đặc sản vùng cao trong thời tiết se lạnh, anh Lo chia sẻ: Cuối năm 2016, để có vốn kinh doanh, tôi vay người thân và vay qua lương tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Yên 100 triệu đồng. Từ vay mượn và tích cóp được trên 200 triệu đồng, tôi làm nhà sàn 100 m², đáp ứng với lượng khách lưu trú từ 40-50 khách/ngày, mua sắm các đồ dùng cần thiết như: chăn, màn, đệm ngủ cho khách... Lấy tên vợ để đặt tên cho nhà nghỉ trọ là Homestay Y Xoa, chính thức vào hoạt động kinh doanh vào tháng 8/2017, đến nay Homestay đã tiếp đón trên 1.000 khách du lịch lưu trú, giá dịch vụ từ 50.000 - 70.000 đồng/người/ngày và có dịch vụ ăn uống, phục vụ cắm trại tại Sống khủng long, trừ các chi phí thu lợi nhuận khoảng trên 50 triệu đồng.  

Là Bí thư Đoàn xã Háng Đồng, luôn trăn trở giúp hội viên phát triển kinh tế, sau thành công mô hình kinh doanh du lịch hộ gia đình, anh Lo chia sẻ, tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái khủng long Háng Đồng, hoạt động kinh doanh đa dịch vụ từ: lưu trú ngắn ngày, điều hành tua du lịch, dịch vụ ăn uống, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa tổng hợp, sửa chữa xe máy... HTX có 8 thành viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng. Hiện nay, các thành viên HTX đang tập trung vốn để đầu tư khu nghỉ dưỡng khoảng 400 m², gồm: nhà sàn, nhà bếp, nhà bát giác, là điểm ngắm mây ngay tại khu nghỉ dưỡng. Dự kiến giữa năm 2019, khu nghỉ dưỡng hoàn thành và đưa vào phục vụ tối đa 160 người/ngày, trong đó, 10 phòng nghỉ gia đình ở tối đa 6 người, giá dịch vụ khoảng 300.000 đồng/phòng và 1 phòng cộng đồng sức chứa 100 người, giá lưu trú từ 50.000 đồng/người, dự kiến doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm 5-7 cho lao động địa phương.

Còn anh La Văn Quý, cựu sinh viên Khoa Lý luận chính trị K54, Trường Đại học Tây Bắc, quê ở bản Phiêng Nèn 3, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố, khởi nghiệp từ mô hình nuôi dế. Nói về chuyện khởi nghiệp, anh Quý chia sẻ: Tôi nhận thấy, Sơn La là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ loại côn trùng lớn, trong khi nguồn cung rất hạn chế. Tôi tìm đến giáo viên Trường Đại học Tây Bắc để được tư vấn và được nhà trường tạo điều kiện cho thuê nhà kính thực nghiệm 340 m² để nuôi dế.

Tháng 3/2017, khởi nghiệp ban đầu với số vốn hơn 10 triệu đồng mua giống, hộp xốp và bạt dứa làm chuồng trại nuôi dế trong diện tích khoảng 100 m2. Sau 9 tháng triển khai, mô hình nuôi dế của anh Quý đã thu hoạch khoảng 400 kg dế thương phẩm, với giá bán 150.000 đồng/kg và xuất bán 60 khay trứng, với giá 200.000 đồng/khay; cung cấp dế làm thức ăn cho chim, tính ra tổng thu nhập trên 70 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Không riêng câu chuyện khởi nghiệp của anh Thào A Lo và La Văn Quý, những năm qua, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trong lực lượng đoàn viên thanh niên, trong đó có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu như: Mô hình trồng rau công nghệ Israel của anh Giàng A Dạy, bản Rừng Thông, xã Mường Bon (Mai Sơn); anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt (Vân Hồ) kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, ăn uống và hướng dẫn viên du lịch địa phương; anh Là Văn Phong từ mô hình du lịch nhỏ nay đã phát triển và thành lập HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương; Lường Văn Thoai, bản Liềng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp) với mô hình phát triển giáo dục tư duy sáng tạo “Soroban”... Thời gian qua, để “thắp lửa” phong trào khởi nghiệp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ những đoàn viên thanh niên trẻ có nhiệt huyết, đam mê khởi nghiệp về những kinh nghiệm, ý tưởng khởi nghiệp, cách tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Tỉnh Đoàn, Trường Đại học Tây Bắc đã phát động đoàn viên thanh niên tham gia các cuộc thi, phong trào khởi nghiệp quốc gia. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, tạo điều kiện cho các thanh niên dân tộc thiểu số tiếp cận với các doanh nghiệp lớn, đối tác kinh doanh. Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Sơn La, cho biết: Trong điều kiện, Sơn La tập trung phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao và phát triển du lịch, BIDV đã có gói tín dụng hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn nhằm trao đổi, kết nối, tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, tính khả thi cao để đầu tư, với quan điểm đồng hành cùng phát triển.

Câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên Thào A Lo và La Văn Quý là động lực “tiếp lửa” cho thanh niên DTTS vươn lên thoát nghèo trên chính quê hương của mình. Dẫu trên con đường khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong họ có một niềm tin mãnh liệt rằng, khởi nghiệp ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều có thể đem lại thành công, vừa làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần xây dựng bản làng ấm no, giàu mạnh; đánh thức tiềm năng, giữ gìn bản sắc, sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Phan Trang