Kết quả công bố chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2018

Lượt xem:


Ngày 28/3/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USADI - Từ nhân dân Mỹ) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018.

         Được tham dự buổi Lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh báo cáo kết quả với những nội dung sau.

          I. MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN

          1. Thành phần tham dự Lễ công bố:

          - Dự Lễ Công bố có Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Bí thư, Chủ tịch một số tỉnh xếp thứ hạng cao; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong cả nước;

          - Về phía tổ chức Quốc tế: có Ông Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng nhiều Đại sứ, tham tán kinh tế của các nước; Trưởng nhóm đại diện nghiên cứu PCI;

          - Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp các nước có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Các doanh nghiệp trong nước; các doanh nghiệp FDI cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tin báo chí.

 Lễ công bố năm nay được tổ chức trang trọng, chu đáo và thu hút rất nhiều đại biểu tham dự (Lễ công bố được Tổ chức tại Khách sạn Lotte – Hà Nội);

          2. Chủ đề của Lễ công bố năm 2018

          Năm nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chọn tên Bộ phim “Đến hẹn lại lên” làm chủ đề, được thể hiện ở ngay trên trang bìa tập tài liệu với hình ảnh cặp đôi uyên ương (hai con chim) đậu trên một cành cây ngoảnh mặt nhìn nhau, hình ảnh đó nói lên khát vọng hướng tới “mùa chim làm tổ - đất lành chim đậu – đến hẹn lại lên”. Với mong muốn các cơ quan nhà nước sẽ “kiến tạo, phục vụ” đồng hành cùng doanh nghiệp và dân doanh cải thiện môi trương kinh doanh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch hơn.

          II. CHỈ SỐ NĂNG LỰC CANH TRANH CẤP TỈNH 2018

          1. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là gì

          Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng (từ năm 2005) nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam;

          Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:

          1- Chi phí gia nhập thị trường thấp;

          2- Tiếp cận đất đai rõ ràng và sử dụng đất ổn định;

          3- Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

          4- Chi phí không chính thức thấp;

          5- Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính thấp;

          6- Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

          7- Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;

          8- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;

          9- Chính sách đào tạo tốt;

          10- Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự;

          Với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên (đại diện các loại hình doanh nghiệp tư nhân và FDI tại 63 tỉnh, thành phố), phương pháp phân tích đánh giá khách quan, trung thực. Hàng năm PCI đã cung cấp sản phẩm nghiên cứu tới các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền các tỉnh, thành phố và các tổ chức hỗ trợ phát triển…

 Cộng đồng doanh nghiệp thông qua nghiên cứu PCI, để qua đó lựa chọn môi trường đầu tư kinh doanh tai các tỉnh, thành phố.

2. Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018

Trải qua hành trình 15 năm đi vào hoạt động, PCI như ngọn Hải đăng trong quá trình cải cách, là thước đo đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam; tạo sức lan tỏa thông qua việc sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền các tỉnh, thành phố (nhiều tỉnh, tỉnh ủy đề ra Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban), coi đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh;

PCI năm 2018 có sự cải cách hơn trước, tạo sức lan tỏa và sự năng động của chính quyền các tỉnh, thành phố. Kết quả đánh giá cho thấy:

2.1- Các xu hướng tích cực

Kết quả phân tích cho thấy:

- Chi phí không chính thức của doanh nghiệp tư nhân (tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức) giảm, từ 66% (năm 2015) xuống 55% (năm 2018);

- Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn (việc tỉnh ưu ái cho các Tổng công ty, tập đoàn của nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp) giảm, từ 39%  (năm 2015) xuống 32% (năm 2018);

- Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến (cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả) tăng, từ 67% (năm 2015) lên 75% (năm 2018); Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, từ 67% (năm 2015) lên 69% (năm 2018).

2.2- Các xu hướng đáng quan ngại

Kết quả phân tích cho thấy

a. Các thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”

- Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác mới có thể chính thức đi vào hoạt động, tăng từ 10% ( năm 2014) lên 16 % ( năm 2018);

- Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “Thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng từ 39% (năm 2013) lên 53% (năm 2018);

- Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (bị từ chối) là 29% (năm 2018);

- Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện, là 34% (năm 2018).

b. Tính minh bạch:

- Tiếp cận tài liệu quy hoạch (1= không thể; 5= Rất dễ) đạt 2,38 điểm (2015) và 2,38 điểm (năm 2018);

- Doanh nghiệp cho biết “Cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh là 69% (năm 2018).

c. Tiếp cận đất đai

- Việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng, tăng từ 29% (năm 2017) lên 31% (năm 2018);

- Thiếu quy hoạch, tăng từ 15% (năm 2017) lên 19% (năm 2018).

2.3- Xu hướng đầu tư

Kết quả khảo sát cho thấy:

- 44,7% số doanh nghiệp được khảo sát sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh;

- 8,3% số doanh nghiệp sẽ không tiếp tục đầu tư hoặc giải thể doanh nghiệp.

Những phân tích trên đây cho thấy bức tranh về cải thiện môi trường đầu tư của nước ta ngày càng tiến bộ hơn;

Khoảng cách giữa các tỉnh đứng cuối và tỉnh đứng đầu về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp. Trong khi những cải cách nhanh chóng của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng, thì sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI lại là điều đáng lo ngại, vì những tỉnh đứng đầu sau khi đã triển khai nhiều sáng kiến ở những khâu dễ cải cách, dường như lại gặp phải hiện tượng “đụng trần thể chế” cho nên khó có thể triển khai các sáng kiến để tăng tốc cải cách.

3. Kết quả xếp hạng và những so xánh

3.1- Kết quả xếp hạng PCI năm 2018:

- Tỉnh Quảng Ninh đạt quán quân (năm thứ 2) với điểm số: 70,36 điểm

- Tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 2 với điểm số: 70,19 điểm (là hai tỉnh thuộc nhóm rất tốt)

- Các tỉnh: Long An, Bến Tre, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội (thuộc nhóm tốt)

- Các tỉnh thuộc nhóm khá gồm 32 tỉnh

- Các tỉnh thuộc nhóm trung bình, gồm: 20 tỉnh (trong đó có tỉnh Sơn La đứng thứ 56 tăng hơn năm 2017 một bậc - với số điểm là: 60,79 điểm);

- Các tỉnh tương đối thấp, gồm 2 tỉnh: Lai Châu, Đắc Nông;

3.2- So xánh điểm số các tỉnh trong khu vực miền núi phái Bắc

Kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 20018 – khu vực Miền núi phía Bắc, gồm: 14 tỉnh; được chia thành 3 cấp độ: Khá, trung bình, tương đối thấp, cụ thể

- Các tỉnh thuộc nhóm khá, bao gồm: Lào Cai ( 64,63 điểm); Thái Nguyên ( 64,24 điểm); Phú Thọ ( 63,95 điểm); Tuyên Quang ( 63,01 điểm); Bắc Giang ( 63,01 điểm);

- Các tỉnh thuộc nhóm trung bình: Yên Bái ( 62,22 điểm); Điện Biên ( 61,77 điểm); Hòa Bình ( 61,73 điểm); Lạng Sơn ( 61,70 điểm); Hà Giang ( 61,19 điểm); Sơn La ( 60,79 điểm); Cao Bằng ( 60,67 điểm); Bắc Cạn ( 60,11 điểm);

- Tỉnh thuộc tương đối thấp: Lai Châu ( 58,33 điểm).

Như vậy, nếu so xánh trong 8 tỉnh ( miền núi phía Bắc) thuộc nhóm trung bình thì tỉnh Sơn La xếp thứ 6/8;

3.3- So xánh sự dịch chuyển thứ hạng các tỉnh giáp với Sơn La

- Tỉnh Tuyên Quang:

PCI năm 2017 Tuyên Quang xếp 39 (với 61,51 điểm); năm 2018 Tuyên Quang xếp 34 (với 63,01 điểm) tăng 5 bậc so với năm 2017; bằng sự nỗ lực không ngừng, 2 năm (2017 – 2918) tỉnh Tuyên Quang tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng (năm 2016 xếp 45; năm 2018 xếp số 34); năm 2019 Tuyên Quang phấn đấu tăng từ 6 – 10 bậc trong bảng xếp hạng;

- Tỉnh Hòa Bình:    

PCI năm 2017 Hòa Bình xếp thứ 52 (với 59,42 điểm); năm 2018 Hòa Bình xếp thứ 48 (với 61,73 điểm) chỉ số điểm tăng là 2,31 điểm, tăng lên 4 bậc;

- Tỉnh Điên Biên:

PCI năm 2014 Điện Biên xếp thứ 63 (cuối bảng); đến năm 2017 Điên Biên xếp thứ 48 ( với 60, 57 điểm); năm 2018 Điên Biên xếp thứ 47 (với 61,77 điểm), chỉ số điểm tăng 1,20 điểm;

- Tỉnh Yên Bái:

PCI năm 2017 Yên Bái xếp thứ 46 (với 60,72 điểm); năm 2018 xếp thứ 42  (với 62,22 điểm), chỉ số điểm tăng 1,50 điểm; tăng 4 bậc;

- Tỉnh Sơn La:

Năm 2014 Sơn La xếp thứ 49 (với 55,28 điểm); năm 2017 xếp thứ 57 (với 58,90 điểm); năm 2018 xếp thứ 56 (với 60,79 điểm), chỉ số điểm tăng thêm 0,89 điểm.

Qua những chỉ số so xánh và thứ hạng mà các tỉnh giáp với Sơn La đạt được có thể nhận thấy, các tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của mỗi tỉnh, nhàm thu hút đầu tư vào tỉnh.

4. Phân tích chỉ số PCI năm 2018 tỉnh Sơn La

Từ kết quả chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh Sơn La cho thấy:

- Có 7 chỉ số thành phần tăng lên so với năm 20017, đó là:

+ Chi phí gia nhập thị trường, tăng từ 7,41 điểm (2017) lên 7,98 điểm

+ Tiếp cận đất đai, tăng từ 5,25 điểm (2017) lên 6,14 điểm

+ Tính minh bạch, tăng từ 6,41 điểm (2017) lên 6,43 điểm

+ Cạnh tranh bình đẳng, tăng từ 5,13 điểm (năm 2017) lên 5,33 điểm

+ Tính năng động của chính quyền, tăng từ 4,75 điểm (2017) lên 5,18 điểm

+ Đào tạo lao động, tăng từ 5,32 điểm (2017) lên 5,76 điểm

+ Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tăng từ 5,94 (2017) lên 6,46 điểm

- Có 3 chỉ số thành phần giảm:

+ Chi phí thời gian, giảm từ 5,89 điểm (2017) xuống 5, 86 điểm

+ Chi phí không chính thức, giảm từ 5,40 điểm (2017) xuống 5,23 điểm

+ Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, giảm từ 6,43 điểm (2017) xuống 6,35 điểm.

Nhìn vào bảng phân tích các chỉ số thành phần PCI cho thấy, mặc dù có 7 chỉ số tăng nhưng điểm số tăng hầu như không đáng kể cho mỗi chỉ số, như vậy tỉnh ta chưa có sự điểm bứt phá rõ rệt trong từng chỉ số thành phần PCI; điều đó đặt ra cho tỉnh cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong việc chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh trong thời gian tới;

5. Tổng hợp ý kiến phản ảnh từ các doanh nghiệp trong tỉnh

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện công tác cải cách (nhất là cải cách TTHC) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, như thành lập và đưa vào phục vụ Trung tâm hành chính công  (TTHCC) từ tỉnh đến các huyện; một số ngành, huyện đã điều hành công việc qua hệ thống tin học (thông qua mạng - như huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai), đã tạo được sự chuyển biến trong công tác cải cách nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.

 Thông qua tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, phản ảnh như sau:

5.1. Về những khó khăn vướng mắc trong môi trường đầu tư

Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, để cải thiện môi trường đầu tư tỉnh ta cần tập trung tháo gỡ những khó khăn (nút thắt) sau đây:

Một là: Tập trung cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, theo phản ảnh của các doanh nghiệp thì Trung tâm hành chính công giải quyết thủ tục cho dân là thuận lợi so với trước. Tuy nhiên việc giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, tình trạng “ ngâm” thủ tục quá lâu, tình trang sau khi nhận hồ sơ các cơ quan chuyên môn gọi điện thoại cho doanh nghiệp đến gặp để giải thích chỉnh sửa hồ sơ còn tái diễn, làm cho doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian…

Các doanh nghiệp đánh giá Trung tâm hành chính công chỉ là nơi tiếp nhận và trả hồ sơ, chứ không phải là nơi có thẩm quyền quyết định sử lý hồ sơ; việc giải quyết thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên ngành ( không nằm tại TTHCC), vì vậy cần xem xét cơ chế phối hợp giữa Trung tâm hành chính công (TTHCC) với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp phải đảm bảo đúng quy định và từng bước rút ngắn thời gian.

-  Hai là: Cần tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận đất đai (mặt bằng kinh doanh), theo phản ảnh của các doanh nghiệp việc tiếp cận đất đai để có mặt bằng kinh doanh ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, từ khâu quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng ( do liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền quản lý); nếu tỉnh không tháo gỡ về cơ chế phối hợp trong việc giải quyết thủ tục tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp thì đây cũng là một ( nút thắt) cản trở sự phát triển của doanh nghiệp;

- Ba là: Cần quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phần lớn các tỉnh đều ban hành chính sách thu hút đầu tư và đây được coi như là một điều kiện quan trọng để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Tuy nhiên theo phản ảnh của các doanh nghiệp thì tỉnh ta chỉ mới ban hành chính sách chứ chưa thực hiện chính sách, hàng năm tỉnh ta chưa dành nguồn ngân sách thỏa đáng để đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ các dự án đầu tư  (nhất là các dự án trọng điểm), như dự án Khu Trung tâm hành chính công và Quảng trường Tây Bắc, mặc dù doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần đề nghị hạ trạm biến áp cung cấp điện để nhà đầu tư thực hiện dự án, tuy nhiên đến nay dự án sắp hoàn thành mà vẫn chưa được hỗ trợ, buộc các doanh nghiệp phải kéo điện từ nơi khác về để phục vụ dự án (kể cả đường vào và hệ thống cấp nước) dẫn đến khó khăn và tăng cao chi phí cho doanh nghiệp…

- Bốn là: Cần khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo, nhiều lần trong một năm đối với các doanh nghiệp, nhiều lần cho một dự án đối với các ban quản lý mà doanh nghiệp là người trực tiếp liên quan. TTTheo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chinh phủ thì mỗi năm các cơ quan chuyên môn chỉ được thanh tra, kiếm tra doanh nghiệp không quá 1lần /năm; tuy nhiên theo phản ảnh thì nhiều doanh nghiệp phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp đề nghị Thanh tra tỉnh cần tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tránh chồng tréo và tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

5.2. Về công tác chỉ đạo điều hành

- Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, mặc dù tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc họp, tuy nhiên chưa dành thời gian quan tâm để bàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (lực lượng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển);

- Trong công tác điều hành UBND tỉnh chưa thực hiện nghiêm nội dung “Bản cam kết giữa tỉnh Sơn La với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp – ký kết ngày 22/9/2016 giữa Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.Trong 10 nội dung Bản ký kết ( từ năm 2016) hầu như tỉnh ta triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao, như năm 20018 UBND tỉnh không tổ chức đối thoại doanh nghiệp; một số huyện, thành phố không tổ chức đối thoại doanh nghiệp; tỉnh ta chưa thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…

- Trong những năm qua, mặc dù tỉnh ta (Hội đồng nhân dân tỉnh) đã ban hành nhiều Nghị quyết về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hầu như các doanh nghiệp không được biết và tiếp cận; hàng năm việc cân đối nguồn ngân sách để thực hiện chính sách chưa được quan tâm đúng mức; hướng dẫn thủ tục của các sở ngành còn dườm dà, thiếu khoa học làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận với chính sách mà tỉnh đã ban hành;

- Mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (đại diện cho các doanh nghiệp) và các cơ quan chuyên môn còn hạn chế, các ý kiến, kiến nghị,  đề xuất của Hiệp hội gửi tới các cơ quan không được tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh cho ý kiến và không có ý kiến phản hồi.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Người đứng đầu phải quyết tâm và hành động thì địa phương mới có chuyển biến, mới kỳ vọng cải cách môi trường hỗ trợ doanh nghiệp”.

 Với mong muốn của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là được cùng tham gia phối hợp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (như nhiều tỉnh đã thực hiện) để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh ta phát triển.

Qua kết quả Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xin trao đổi, phản ảnh những ý kiến từ các doanh nghiệp để Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn nắm, chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

                                              

 

                                                  Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp