Ngành thực phẩm - đồ uống: Đối mặt với thiếu nguyên liệu và làn sóng sáp nhập

Lượt xem:


Khảo sát của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp trong ngành Ngành thực phẩm và đồ uống trong tháng 9/2019 cho thấy, trong thời gian 2019-2020, đa số các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với một số thách thức chính bao gồm: chất lượng nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào; mua bán, sáp nhập...

3 xu hướng chính

Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 66% các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không thay đổi so với năm 2018.

Tuy nhiên, để có thể tạo dựng được uy tín và chinh phục các thị trường không chỉ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nắm bắt tốt sự chuyển động các xu hướng lớn trong ngành, để có sự chuẩn bị rốt ráo về sản phẩm và cách tiếp cận phù hợp. Kết quả nghiên cứu và khảo sát của Vietnam Report chỉ ra có 3 xu hướng chính nổi lên trong giai đoạn 2019-2020 của ngành.

Trong phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm đồ uống của Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 46% các chuyên gia nhận định rằng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên và 36% nhận định rằng sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ sẽ là những xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, là sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều chung nhận định rằng người tiêu dùng không chỉ sử dụng các sản phẩm mang tính đại chúng của các tập đoàn lớn sản xuất mà họ cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, câu chuyện về sản phẩm.

Ngoài ra, khả năng sáng tạo từ dữ liệu lớn cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng ngành thực phẩm đồ uống trong thời gian tới. Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, các ứng dụng của Big Data và AI cũng đã được sử dụng trong một số doanh nghiệp thực phẩm đồ uống ở Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng tiềm năng nhất mà Big Data mang lại cho ngành thực phẩm đồ uống là khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa, do đó, sản phẩm sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây có khả năng sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh nhất trong nhiều năm tới.

Chủ động các chiến lược để bắt kịp xu thế

Các chuyên gia trong ngành nhận định, có hai khó khăn chính của các doanh nghiệp trong thị trường, đó là nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; và làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành.

Ngành Ngành thực phẩm và đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống phải chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn. Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng gần 96%); nghiên cứu thị hiếu của người dùng (khoảng 68%); và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (khoảng 46%).

Rõ ràng, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên, một mặt kích thích các doanh nghiệp trong nước thích nghi đổi mới để hòa vào “sân chơi” thương mại chung.

Theo VCCI