QUY ĐỊNH MỚI VỀ TỔ HỢP TÁC

Lượt xem:


Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác hoạt động, tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự số 90/2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ngày 10/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2019/NĐ-CP quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Để phù hợp với Bộ luật dân sự số 90/2015/QWH13, Nghị định này đã quy định một số điểm mới, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Nghị định 77/2019: Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 2 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

So với Nghị định số 151/2007 thì Nghị định số 77/2019 đưa ra được khái niệm tổ hợp tác thay cách gọi “tổ viên” bằng “thành viên”. Các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đều có thể trở thành thành viên Tổ hợp tác. Thành viên tổ hợp tác góp vốn bằng tài sản, công sức và được xác định giá trị thông qua thỏa thuận giữa các thành viên.

Tổ hợp tác hoạt động theo nguyên tắc trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Đối với hợp đồng hợp tác, tổ trưởng chỉ cần gửi thông báo về việc thành lập Tổ hợp tác đến UBND cấp xã nơi THT thành lập. UBND cấp xã lập sổ theo dõi và cập nhật các thay đổi, biến động của tổ hợp tác; thay vì hợp đồng phải có chứng thực của UBND cấp xã như Nghị định 151. Đồng thời, số lượng thành viên để thành lập THT cũng giảm từ 3 cá nhân (Nghị định 151/2007) xuống còn 2 cá nhân, pháp nhân… Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác; Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Quyết định theo đa số trừ trường hợp hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác; Cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

 Những điểm mới này tạo điều kiện cho tổ hợp tác hoạt động như một đơn vị kinh tế độc lập, không chịu sự quản lý của chính quyền cấp xã. Trước kia nếu không có UBND cấp xã chứng thực hợp đồng thì tổ hợp tác không được phép hoạt động. Nay UBND cấp xã chỉ nắm thông tin quản lý hành chính còn tổ hợp tác hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh, Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan.

           Tổ hợp tác có các quyền: Tên riêng; Tự do hoạt động, kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật có liên quan; Xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của Nghị định, Điều 508 của Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan; Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã; Quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

          Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ tổ hợp tác bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau: Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác; Mục đích hợp tác đã đạt được; Không duy trì số lượng thành viên tối thiểu theo quy định; Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan; Theo thỏa thuận của các thành viên tổ hợp tác./.

          Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/11/2019 và thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác./.

 

                                                                                        Thu  Mây