Sơn La Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ

Lượt xem:


Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020; tỉnh Sơn La đã bám sát phương châm hành động của năm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; luôn chủ động, sáng tạo trong các hướng đi, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xung quanh chủ đề này. Ngô Khuyến thực hiện. Sơn La được đánh giá là tỉnh có nhiều đổi mới tư duy, thực hiện cách nghĩ, cách làm mới, nhất là trong thu hút đầu tư, xúc tiến tiêu thụ nông sản. Nhằm tiếp tục thúc đẩy việc chuyển đổi sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững, bài toán đầu ra cho nông sản đang được các cấp chính quyền tỉnh giải quyết ra sao?

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 24/9/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt tập trung vào mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, thu hút các nhà máy chế biến nông sản và tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan.

Tỉnh đã thu hút 25 nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố; hỗ trợ thủ tục đầu tư cho 45 dự án (trong đó có 35 dự án đã hoàn thành và 15 dự án đang triển khai); hỗ trợ 10 dự án trọng điểm được ký cam kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017; phối hợp với nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công, lễ khánh thành cho 5 dự án.

Sơn La cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, đã tổ chức thành công 18 chuỗi sự kiện về xúc tiến tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại các thị trường lớn như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa…; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La vào hệ thống siêu thị như: Big C, LotteMart, HaproMart, Co.opmart; đồng thời đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc.

Để phát huy kết quả đạt được, tỉnh Sơn La tổ chức vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường; hình thành các chuỗi sản xuất bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, trong đó tập trung 3 thị trường: thị trường trong tỉnh, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu (Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pakistan, Afghanistan…). Tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng từ 2-3 đơn vị thu gom trong tỉnh có đủ năng lực tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; triển khai dự án xây dựng chợ đầu mối tại huyện Mai Sơn và huyện Mộc Châu.

Cùng với tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm tham gia xuất khẩu, Sơn La còn triển khai hiệu quả, lồng ghép các chính sách hiện hành của Nhà nước. Đảm bảo nguồn kinh phí, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác Tổ nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thuộc Ban Chỉ đạo 598, chủ động nắm chắc thông tin thị trường, giá cả phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

Tỉnh còn nghiên cứu để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, xúc tiến tiêu thụ nông sản.

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động tháo gỡ các “điểm nghẽn” và nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông nhìn nhận thế nào xung quanh vấn đề này?

Với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư. Tích cực phát huy trách nhiệm trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành chức năng và địa phương; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Tỉnh luôn khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư mới mang tính đột phá, phù hợp với quy định của pháp luật. Tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực liên quan thu hút đầu tư; đồng thời rà soát kỹ các dự án chậm tiến độ, không triển khai và không khả thi để đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư dự án. Tham mưu UBND tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, chuyên đề… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ngày 11/9/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND về triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành tỉnh Sơn La (DDCI) năm 2019 và các năm tiếp theo. Ông có chia sẻ gì về ý nghĩa của việc triển khai đánh giá bộ chỉ số này?

Việc đánh giá DDCI sẽ tạo sức lan tỏa để thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và giữa các sở, ban, ngành, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Tạo thêm kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Từ đó, cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công và nâng cao chất lượng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Năm 2019, tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo, điều hành theo 4 trọng tâm: Phát huy nội lực; Xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; Chủ động, tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Khi quyết định chọn bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương như một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch, tin cậy để nhà đầu tư, DN góp ý xây dựng bộ máy điều hành, Sơn La hướng đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao chỉ số PCI. Chính quyền cấp tỉnh kỳ vọng DDCI sẽ là một công cụ chính sách thiết thực, hiệu quả, một con đường ngắn nhất tạo sự cạnh tranh, tạo động lực thu hẹp khoảng cách từ ban hành đến thực thi chính sách, góp phần cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của các cơ quan công quyền. Chính quyền tỉnh hy vọng từ sự trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương đóng góp tiếng nói, thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế sẽ đặt các cơ quan công quyền vào “tâm thế thường trực” trong cải cách hành chính. Chính vì vậy, mỗi sở, ban ngành và địa phương cần có những cách làm riêng, thể hiện sự sáng tạo, hứng khởi trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính đơn vị, địa phương mình, qua đó góp phần hoàn thiện PCI một cách nhanh chóng.

Quyết tâm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, gần dân, vì doanh nghiệp được tỉnh Sơn La thể hiện như thế nào, thưa ông?

Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, gần dân, vì doanh nghiệp là một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI làm cho doanh nghiệp cảm thấy hài lòng về môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây cũng là cách xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả nhất. Do đó tỉnh Sơn La quyết tâm xây dựng một nền hành chính, phục vụ, gần dân, vì doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về doanh nghiệp đối với sự phát triển của địa phương. Cụ thể, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC để giảm chi phí thời gian cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư, cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng và các TTHC khác. Tránh thanh, kiểm tra chồng chéo; quyết liệt rà soát lại năng lực chuyên môn, thái độ làm việc của cán bộ công chức thực thi công vụ, nếu phát hiện hành vi gây nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cho tổ chức và cá nhân.

Cùng với thực hiện nghiêm túc 10 cam kết đã ký với VCCI, UBND tỉnh và các sở ngành thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng quy trình đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo VCCI