QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TEM RƯỢU

Lượt xem:


Ngày 23/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu. Theo đó, kể từ 7/5/2020, các mặt hàng rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu đều phải dán tem trên bao bì trước khi tiêu thụ.

      Rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải dán tem trước khi tiêu thụ

      Thông tư số 15/2020/TT-BTC  đã nêu rõ: Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), gọi chung là chai đều phải dán tem. Cụ thể, mỗi chai được dán một (01) con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.

      Tem rượu phải được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại (Mẫu tem rượu do Bộ Tài chính quy định)

      Đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở của doanh nghiệp và báo cáo với cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem thực sử dụng trước khi thông quan.

      Rượu thành phẩm dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai trong nước, doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.

      Đối với rượu sản xuất trong nước, thì tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước phải thực hiện dán tem đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

      Đặc biệt, Thông tư quy định: Các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, bán (trừ cơ quan Thuế), vay, mượn và cho vay, cho mượn tem rượu.

      Cơ quan Thuế quản lý tem rượu sản xuất trong nước

      Cơ quan thuế bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp), cụ thể: Tổng cục Thuế thực hiện in và thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước; Cục Thuế các tỉnh, thành phố, và các Chi cục Thuế tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước.

      Cơ quan Hải quan quản lý tem rượu nhập khẩu

      Cơ quan Hải quan thực hiện bán tem rượu nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu rượu khi đến làm thủ tục hải quan, cụ thể: Tổng cục Hải quan thực hiện thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu; Cơ quan Hải quan các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu

      Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.

      Ngoài ra, Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng quy định 03 trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

      Thông tư số 15/2020/TT-BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/5/2020./.                                                                          

                                                                             

                                                                               Thu Mây