Điện về vùng nông thôn

Lượt xem:


Những ngày này, niềm hạnh phúc của người dân xã Mường Bằng (Mai Sơn) được nhân lên, bởi sau nhiều năm mong mỏi, nguồn điện lưới quốc gia đã về thắp sáng bản làng, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, khởi sắc.

Cán bộ Công ty Điện lực Sơn La hướng dẫn người dân sử dụng điện

Không dấu nổi niềm vui, anh Hà Văn Đẹp, bản Bằng, xã Mường Bằng cho biết: Trước đây, chúng tôi dùng điện tự kéo, vào giờ cao điểm, nhiều hộ dùng khiến điện quá tải. Nói rồi, anh chỉ cho chúng tôi chiếc ổn áp lioa đã gắn bó với gia đình từ lâu, anh bảo: Để đảm bảo các thiết bị điện hoạt động được, các gia đình đều phải mua ổn áp lioa, nhưng vì dùng chung đường dây, nhà nào cũng dùng lioa để kéo điện nên dây dẫn nóng lắm, chỉ sợ bị cháy chập thôi, tháng nào các gia đình dùng điện ở đây cũng phải bảo nhau dùng điện tiết kiệm, có tiền cũng không dám mua đồ điện về dùng vì sợ không chạy được. Từ ngày có điện lưới quốc gia, các gia đình có điều kiện đều mua sắm thêm đồ điện, cuộc sống của chúng tôi bây giờ trở nên tốt hơn rất nhiều nhờ được cập nhật thông tin hàng ngày qua tivi, trẻ con thì được học đủ ánh sáng.

Rời nhà anh Đẹp, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Tòng Thị Tức, bản Liềng, ngôi nhà rộn rã tiếng cười, bởi cả gia đình cùng quây quần bên nhau xem ti vi. Ngoài ti vi, gia đình bà Tức còn mua sắm tủ lạnh phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Bà Tức phấn khởi: Trước đây, nguồn điện rất yếu nên không thường xuyên được xem ti vi, cũng không thể dùng các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ ngày được dùng điện lưới quốc gia, bà con dân bản còn được tiếp cận kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, như chăn nuôi, trồng ngô, lúa... Nhờ đó mà hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ nét, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên.

Cán bộ Công ty Điện lực Sơn La hướng dẫn người dân sử dụng điện

Niềm vui của người dân xã Mường Bằng cũng là niềm vui của hàng nghìn hộ dân của huyện Mai Sơn được cấp điện lưới quốc gia trong năm 2020. Để đưa được điện lưới quốc gia về thắp sáng cho 1.116 hộ dân thuộc 12 bản của 2 xã Mường Bằng và Nà Bó, Sở Công Thương đã đầu tư 11,5 km đường dây trung áp 35 kV, 10 trạm biến áp 35/0,4 kV và 34,7 km đường dây hạ thế 0,4 kV. Công trình được khởi công từ tháng 11/2019, với tổng vốn trên 26 tỷ đồng. Đây là công trình được triển khai với mục đích phát triển lưới điện trung, hạ áp đấu nối điện về các hộ dân, cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào dân tộc tại các bản chưa có điện, hoặc có điện nhưng chưa ổn định, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện Mai Sơn được dự án đầu tư cấp điện cho hơn 70 bản, nhóm hộ với khoảng 4.200 hộ dân trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đến nay đạt 98,6%. Bà con không chỉ có điện thắp sáng mà còn mạnh dạn đầu tư máy móc, phát triển kinh tế phục vụ đời sống.

Có thể khẳng định, điện lưới quốc gia đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Đặc biệt, tạo niềm tin của nhân dân về sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho khu vực nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội. Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình cấp điện nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia lên 96,5%. Trong năm 2020, cùng với nỗ lực của chính quyền các cấp và ngành điện phấn đấu có thêm 10 nghìn hộ dân và sẽ tăng tỷ lệ hộ được sử dụng điện lên 97,5% và sẽ đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. 

 

Chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui trên khuôn mặt từng người dân khi điện lưới quốc gia về đến bản. Nguồn điện lưới quốc gia cấp trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí. Có điện, cuộc sống của người dân được cải thiện rất nhiều, mở ra cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán, quy mô canh tác và tư duy sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Điều này góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Nguyễn Yến