07 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Lượt xem:


Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 07 Luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

 

1. Luật Bảo vệ môi trường

Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Luật số 72/2020/QH14 Luật Bảo vệ môi trường, Luật số 72/2020/QH14 gồm có 16 Chương và 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 gồm các nội dung cơ bản như: Quy định về Nguyên tắc bảo vệ môi trường; Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các thành phần môi trường đối với môi trường nước, không khí, đất, môi trường di sản thiên nhiên; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường, giấy phép môi trường; Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vị, đô thị và nông thôn.

Ngoài ra Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn một số điểm mới nổi bật về việc lưu giữ chất thải nguy hại cần phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại, Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường, Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường; Chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày 01/01/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Khoản 3, Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 7 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 sẽ hết hiệu lực thi hành.

2. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Ngày 13/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật số 69/2020/QH14 gồm 08 Chương và 74 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Theo đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định rõ một số nội dung: Chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định các chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Luật Cư trú

Ngày 13/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 68/2020/QH14 Luật Cư trú. Luật số 68/2020/QH14 gồm 07 Chương và 23 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Luật cư trú quy định một số nội dung: Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và quản lý cư trú, hợp tác quốc tế về quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú, quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú, đăng ký thường trú, Đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng. Đồng thời Luật số 68/2020/QH14 quy định rõ về trách nhiệm quản lý cư trú.

Kể từ ngày 13/11/2020, Luật Cư trú số 81/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 sẽ hết hiệu lực thi hành.

4. Luật Biên phòng Việt Nam

Ngày 11/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 66/2020/QH14 Luật Biên phòng Việt Nam.  Luật số 66/2020/QH14 gồm 06 Chương và 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định một số nội dung như: Chính sách của Nhà nước về biên phòng, Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng,Nhiệm vụ biên phòng, Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng.

Luật số 66/2020/QH14 cũng quy định rõ Hoạt động cơ bản về biên phòng: Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền, hợp tác quốc tế về biên phòng. Đồng thời quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, Quyền hạn, phạm vi hoạt động, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Hệ thống tổ chức, Trang bị, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu, Trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện, chế độ chính sách của Bộ đội Biên phòng.

5. Luật Thỏa thuận quốc tế

Ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 70/2020/QH14 Luật Thỏa thuận quốc tế. Luật số 70/2020/QH14 gồm 07 Chương và 52 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Luật Thỏa thuận quốc tế Quốc hội quy định một số nội dung: Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Luật số 70/2020/QH14 không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 13/11/202 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.  Luật số 67/2020/QH14 gồm 3 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Luật Xử lý vi phạm hành chính 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13 và Luật số 18/2017/QH14. Trong đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, kiểm toán nhà nước, đối ngoại, tín ngưỡng. Đồng thời Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14. Bãi bỏ các Điều 50, 82 và 142 Luật số 15/2012/QH13.

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

 Ngày 16/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 71/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Luật số 71/2020/QH14 gồm 2 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) Sửa đổi bổ sung 2 Điểm, 12 Khoản và 15 Điều của Luật số 64/2006/QH11 ngày 29/06/2006 của Quốc hội. Luật bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Bãi bỏ Điều 42 và Điều 44, của Luật số 64/2006/QH11. Đồng thời, Luật số 71/2020/QH14 quy định toàn bộ tài sản, tài chính của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV được sử dụng để hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với Quỹ ở trung ương và theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với quỹ ở địa phương./.

Theo Cục Thuế tỉnh Sơn La