Hướng dẫn lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15

Lượt xem:


Ngày 19/10/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết gồm 3 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/10/2021.

Theo đó, Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH quy định: giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau:

Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT như sau:

Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi lập hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp, hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x70%; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ thì khi lập hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm GTGT.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % GTGT để tính thuế GTGT chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, doanh nghiệp, tổ chức kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 30% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng./.

Phương Mai - TTHT