Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay và nhu cầu hỗ trợ pháp lý

Lượt xem:


- Trong cộng đồng DN Việt Nam, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp (DN) chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…

 Đồng chí Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
(Ảnh: Thế Hiển)

 
(VINASME):  Cụ thể, về lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…
Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác. Do vậy, đã tạo tạo ra 40% cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư có hiệu quả nhất trong việc huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, khối DNNVV còn tồn tại một số hạn chế cố hữu như sau:
          Một là, về tiếp cận vốn vay: Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DN vừa và nhỏ như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế mới có một số lượng nhỏ các DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Phần lớn các DN còn lại gặp các trở ngại như sau: 55% trở ngại do thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp, không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các DN vừa và nhỏ); 50% trở ngại yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu…); 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp; các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV.
          Khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, chỉ có 30% các DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều DN vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 - 18%). Điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DN vừa và nhỏ, rất ít các DN đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn.

        Hai là, về công nghệ: DNNVV được kỳ vọng là có thể đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho các DN nước ngoài hoặc các dự án lớn của Nhà nước. Quá trình này sẽ thúc đẩy cho các DNNVV trở thành trụ cột để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
        Tuy nhiên hiện nay, đa số DNNVV Việt Nam chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong DN vừa và nhỏ của Việt Nam còn thấp. Số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DN chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao.

      Ba là, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn: Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hầu hết giá nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Đối với ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu (ví dụ, sản xuất dây và cáp điện, điện tử, cơ khí…) bị ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
         Trong khi sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều DN phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Hàng tồn kho trong một số ngành hàng tăng cao như bất động sản, vật liệu xây dựng, nông sản…, nhiều DN kinh doanh bất động sản phải đối mặt với các khoản vay lớn của ngân hàng, đến hạn trả nhưng không có nguồn thu, không còn tài sản và khả năng huy động vốn để duy trì kinh doanh, chi phí sản xuất các ngành chế biến và bảo quản rau, củ, quả tăng 123,2%; sản xuất các sản phẩm từ nhựa tăng 89,1%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 62,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 56,2%; sản xuất xi măng tăng 52,3%...

        Bốn là, bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động trong các DNNVV: Theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ DN có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Cụ thể, tiến sỹ chỉ chiếm 0,66%; thạc sỹ 2,33%; tốt nghiệp đại học 37,82%; tốt nghiệp cao đẳng chiếm 3,56%; tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp chiếm 12,33% và 43,3% có trình độ thấp hơn.
Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực DNNVV, do vậy các DNNVV càng rơi vào vị thế bất lợi.

       Điều đáng chú ý là đa số các chủ DN, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên thì cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị DN, các lớp về pháp luật trong kinh doanh..., điều này có ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam.

      Năm là, năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh: Các DNNVV còn chưa tiếp cận được hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế. Để từng bước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách pháp luật, có thể nói hệ thống pháp luật trong kinh doanh ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật của DNNVV còn nhiều hạn chế.
     Việc tiếp cận hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, phần khách quan do nội tại nền kinh tế nước ta như cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, gây mất lòng tin cho DN..., tuy nhiên, phần lớn là do chủ quan các DNNVV chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong kinh doanh. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, đòi hỏi cả Nhà nước và DN phải có những giải pháp nhằm thay đổi tăng cường năng lực tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh cho DN.

          Có thể thấy rằng, cộng đồng DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả vô cùng quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức đã và đang nảy sinh trong tình hình mới, với mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 DN và phấn đấu đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 DN hoạt động.
          Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2015…

          Đây là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành và địa phương. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý DN và Quyết định số 585/QĐ–TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn năm 2010 – 2014, là một thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN, Hiệp hội DNNVV Việt Nam xin đề xuất triển khai một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong thời gian tới như sau:

          Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho DN hoạt động.
        Việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến DN phải được thực hiện theo hướng tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho DN hoạt động (như trong lĩnh vực đấu thầu, đất đai, thuế, đầu tư, phá sản DN...). Không làm chính sách theo lối “không quản được thì cấm hay hạn chế”, hay ban hành thì tùy tiện, thiếu cân nhắc và xa lạ với thực tế cuộc sống thường ngày, giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường.
         Thứ hai, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho DNNVV.

          Việc xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho DN là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, hiện nay chúng ta chưa có một chuyên trang riêng biệt về hỗ trợ pháp lý cho DN. Trong khi đó, với đặc điểm chính của Việt Nam đa phần là các DNNVV, hiện nay chính sách hỗ trợ cho DNNVV được ban hành rất nhiều, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, về các lĩnh vực như trợ giúp DNNVV, về thuế cho DNNVV, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho DNNVV, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với DN,... các văn bản này đang nằm tản mạn tại các bộ, ngành, địa phương và thực tế thì các DNNVV Việt Nam rất khó tiếp cận. Vì vậy, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị cần hình thành chuyên trang về hỗ trợ pháp lý cho DN và liên kết đến các trang thông tin của các tổ chức đại diện cho DN, để cung cấp thông tin một cách có hệ thống các văn bản chính sách pháp luật đến được với DN.

          Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo DN thực thi pháp luật.

              Thực tiễn trong những năm qua, nhiều DN hội viên và các hiệp hội địa phương phản ánh về Hiệp hội những khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, do không có nguồn lực, đội ngũ cán bộ không có kỹ năng, không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho DN, vì vậy trong nội dung bồi dưỡng tăng cường cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, Hiệp hội đề nghị ngoài việc tập trung đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý DN, cần tăng cường dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN này. Đặc biệt là bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hiệp hội DN địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

          Thứ tư, về xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho DN tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế -  xã hội khó khăn.

            Hiệp hội DNNVV Việt Nam hiện nay có hệ thống mạng lưới tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đó là các Hiệp hội DNNVV các tỉnh, thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình, Hiệp hội đã cử cán bộ tham gia tổ chuyên gia xây dựng Đề án thí điểm xây dựng  mạng lưới tư vấn pháp luật tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

         Vì vậy, đề nghị trong thời gian tới, Chương trình chọn một số địa phương là các Hiệp hội DN các tỉnh là thành viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam làm điểm để xây dựng mạng lưới. Hiệp hội sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các hội địa phương làm tốt vai trò đầu mối khi triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho các DN ở các địa bàn khó khăn tại các địa phương được lựa chọn.
 
 
Tô Hoài Nam
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký 
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam