Chuyển đổi số vì xã hội năng động và phát triển

Lượt xem:


Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội, song cũng mang đến nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống. Thời gian qua, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai tích cực, bước đầu đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu tham quan IOC của VNPT.

Ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số. Với  sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sau 1 năm thực hiện nghị quyết, đến tháng 9/2022, Sơn La đã thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 8.966 thành viên, trong đó 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp tổ, bản, tiểu khu.

Phát huy vai trò, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã triển khai mạng di động 4G đến tất cả các khu vực trong tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước kết nối từ UBND tỉnh đến 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 157/204 xã đã kiểm thử, liên thông dữ liệu về Cục Bưu điện; duy trì hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung, như: Hội nghị trực tuyến 3 cấp từ tỉnh tới xã, phường, thị trấn; hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản và điều hành...

Ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã đảm bảo việc trao đổi các văn bản điện tử được nhanh, thuận lợi, đảm bảo an toàn thông tin, tiết kiệm thời gian trình ký và chi phí in sao, chuyển phát tài liệu. Đến nay, Sơn La đã cấp 3.552 chữ ký số cá nhân và 758 chữ ký số của tổ chức; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 100%.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến xã, kết nối với hệ thống dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện tỉnh để thực hiện tiếp nhận - trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích khi có nhu cầu; đã tích hợp 335 dịch vụ công trực tuyến 3, 4 của tỉnh trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan IOC của VNPT.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La do Tập đoàn VNPT tài trợ, đã kết nối, tổng hợp một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để quản lý, giám sát tình hình trao đổi văn bản điện tử, quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, thống kê số liệu về các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh... Hệ thống thông tin tương tác với người dân trong đô thị thông minh tích hợp với chính quyền điện tử tỉnh Sơn La và các đề án thí điểm về giáo dục thông minh, du lịch thông minh, giao thông thông minh đang được các ngành khẩn trương xây dựng. Thành phố đã xây dựng Đề án thành phố Sơn La thông minh giai đoạn 2022-2025 và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh tích hợp với Trung tâm điều hành thông minh do Viettel triển khai thí điểm.

Kinh tế số được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, đến nay, 1.957 doanh nghiệp đang kê khai nộp thuế qua mạng, đạt 95,7%; các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời, hỗ trợ nhau, như: Đưa nông sản tham gia sàn TMĐT postmart.vn, voso.vn; truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tập huấn đào tạo. Có 33.702 hộ nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và 35.275 hộ được tạo tài khoản trên sàn TMĐT; 798 sản phẩm đưa lên sàn TMĐT; 23.300 đơn hàng số giao dịch trên sàn; 59 sản phẩm OCOP Sơn La đưa lên sàn, doanh thu trên 3,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển; chưa có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ưu đãi, thu hút nhân lực về công nghệ thông tin, thuê chuyên gia chuyển đổi số; hạ tầng và nền tảng số chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các trụ cột của chuyển đổi số.

Ngày 20/9/2022, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND tổ chức triển khai các hoạt động Ngày chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2022. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng sẽ tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, để người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Là cơ quan Thường trực của BCĐ chuyển đổi số tỉnh, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyển đổi số với chủ đề: “Chuyển đổi số hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn”, thu hút số lượng lớn người tham gia từ cấp tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tổ chức hội nghị trực tuyến tới 204 xã, phường, thị trấn để bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng về: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên các sàn TMĐT; sử dụng một số nền tảng, ứng dụng số phổ biến hiện nay... và hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số...

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngành Nông nghiệp Và PTNT tỉnh Sơn La đã đặt ra một số mục tiêu: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ nông nghiệp sạch chiếm 20-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở, dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn... Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản; đưa giải pháp chuyển đổi số vào triển khai và quản lý chương trình OCOP thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Quá trình chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sự cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đại dịch Covid-19 chính là phép thử, để thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số và thực tế khẳng định rõ đây là giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số, các chi hội doanh nghiệp đã phát động 811 hội viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Chị Cầm Thị Huyền Trang - Bí thư Tỉnh đoàn

Tham gia chuyển đổi số, lực lượng ĐVTN toàn tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ công nghệ cộng đồng xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với các sàn TMĐT hướng dẫn người dân kỹ năng liên quan đến TMĐT, như: Đóng gói, hoàn thiện đơn vận chuyển, livestream, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, thanh toán số. Ngoài ra, đã cùng với các cơ sở đào tạo hướng dẫn học sinh, gia đình học sinh sử dụng các chương trình học trực tuyến; thiết kế, in ấn và phát tờ rơi chứa thông điệp Ngày chuyển đổi số.

Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Công an tỉnh)

Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Công an tỉnh đã thu thập, đồng bộ và duy trì cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu trên 1,3 triệu thông tin công dân Sơn La lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp trên 900.000 thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; thu nhận, cấp trên 160.000 tài khoản định danh điện tử công dân toàn tỉnh. Bước đầu, công dân đã cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, trải nghiệm các tiện ích của ứng dụng.

Chị Lò Thị Thi - Bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã

Tôi được hướng dẫn sử dụng sàn thương mại Voso.vn. Giờ đây, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet, tôi có thể đưa sản phẩm long nhãn của gia đình lên sàn thương mại để quảng bá và bán hàng. Với phương thức bán và đặt hàng online thực sự rất hữu ích.
 
Theo Báo Sơn La