Mường La sau cơn lũ đi qua

Lượt xem:


Cơn lũ lịch sử xảy ra vào đêm mùng 2 đến rạng sáng ngày 3/8 tràn qua một số xã, thị trấn của huyện Mường La đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, tính đến 17 giờ ngày 6/8, lũ đã làm chết 10 người, mất tích 5 người, bị thương 12 người; cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn 183 ngôi nhà, hư hỏng, sạt lở phải di chuyển gấp 143 nhà, vùi lấp 43 nhà. Đồng thời, lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, cùng nhiều tài sản của Nhà nước, hoa màu, gia súc của nhân dân. Thiệt hại ước tính khoảng 672 tỷ đồng.

Khẩn trương khắc phục, cứu trợ
 

 

4 ngày, sau cơn lũ đi qua, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích, cứu trợ và khắc phục hậu quả trên địa bàn huyện Mường La đang diễn ra hết sức khẩn trương. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Mường La thường xuyên có mặt tại hiện trường. Sở chỉ huy của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đặt tại tiểu khu I, thị trấn Ít Ong liên tục cập nhật thông tin từ các vùng đang bị lũ chia cắt để phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục.

 

Với quyết tâm không để người dân nào bị đói, các hộ bị cuốn trôi nhà cửa phải được bố trí chỗ ở tạm, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang huy động lực lượng cùng với huyện Mường La tập trung khắc phục, bằng mọi cách tiếp cận với những bản còn đang bị cô lập để đưa lương thực, quần, áo, nước uống và thuốc men vào cho bà con.

 

 

Tại Sở chỉ huy, cùng với các đồng chí thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, huyện Mường La, Đại tá Trần Xuân Cương, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh liên tục chỉ đạo các đơn vị đang có mặt tại các bản thường xuyên thông tin tình hình cơ sở để có phương án ứng phó kịp thời. Đại tá Trần Xuân Cương thông tin nhanh: Từ sáng ngày mùng 3, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, 2 xe cấp cứu, 2 tổ phòng dịch, 1 xuồng máy cấp cứu, 36 nhà bạt 5 cơ số thuốc và các thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân vào hỗ trợ cho huyện. Cùng với Sở chỉ huy của huyện, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập sở chỉ huy tại trung tâm xã Nặm Păm và bố trí 3 tổng đài phục vụ công tác thông tin liên lạc và chỉ huy.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Bí thư huyện ủy Mường La, cho biết: Ưu tiên số một hiện nay là tập trung lực lượng tìm kiếm những người còn bị mất tích và lo chỗ ở cho các gia đình bị thiệt hại về nhà. Đến nay, hàng cứu trợ đã đến được tận tay bà con, tất cả những gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhà đều được bố trí ở tại những hộ không bị ảnh hưởng hoặc lều bạt của quân đội. Đồng thời, huyện đã chi hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ đối với những gia đình có người bị chết, bị thương, thiệt hại về nhà cửa và đang tiếp tục rà soát để hỗ trợ kịp thời.

 

 

Tại bản Hua Nặm, xã Nặm Păm, sau khi giúp nhân dân khắc phục thiệt hại ban đầu, tháo dỡ di chuyển nhà khỏi nơi nguy hiểm, vừa chỉ huy các chiến sĩ tiếp tục hành quân vào những bản tiếp theo còn đang bị cô lập, Thượng tá Quàng Văn Binh, Phó Trưởng Phòng cảnh sát cơ động, Công an tỉnh vừa thông tin nhanh: Ngay sau khi xảy ra thiệt hại do lũ tại Mường La, thực hiện mệnh lệnh của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã điều động 120 cán bộ, chiến sĩ vào giúp nhân dân khắc phục hậu quả và bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân những nguy cơ tiếp tục có thể xảy ra để chủ động phòng chống.

 

 

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Mường La trong mấy ngày vừa qua vẫn có mưa vừa đến mưa to, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các bản nằm dọc theo tỉnh lộ 109 và suối Nặm Păm đều là những bản bị thiệt hại rất lớn về người, tài sản và hiện đang bị cô lập hoàn toàn về giao thông.

 

 

Tình người trong cơn lũ

 

Trong các xã bị ảnh hưởng do cơn lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn huyện Mường La gồm Chiềng San, Chiềng Ân, Tạ Bú, Chiềng Hoa, Nặm Păm và thị trấn Ít Ong, thì xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong bị thiệt hại nặng nhất, riêng xã Nặm Păm hiện còn nhiều bản với hàng trăm hộ dân đang bị cô lập hoàn toàn, như Huổi Liếng, bản Hốc, Huổi Hốc, bản Piệng, Pá Piệng, Hua Piệng và Nà Ten, do tuyến tỉnh lộ 109 từ thị trấn Ít Ong qua trung tâm xã đã bị lũ phá hủy hoàn toàn, cách duy nhất để vào được các bản này đều phải đi bộ, hàng cứu trợ, lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác chỉ có thể chuyển đến bằng sức người.

 

Tài sản của nhân dân còn sót lại sau cơn lũ.

 

Liên tục mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân đến ủng hộ và hàng chục xe chở hàng vào cứu trợ bà con vùng lũ, từ gạo, thực phẩm, nước uống, quần áo, đến những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhưng do giao thông bị chia cắt, nên từ trung tâm thị trấn Ít Ong, hàng cứu trợ được tập kết, dùng sức người “tăng bo” qua cầu Nặm Păm, sau đó ô tô chở vào đến bản Hua Nặm, từ đây các lực lượng tham gia cứu trợ và những nhóm tình nguyện vận chuyển bằng sức người đến cấp phát trực tiếp cho bà con ở các bản.

 

 

Từ bản Hua Nặm, chúng tôi cùng các nhóm vận chuyển hàng cứu trợ vào các bản đang bị cô lập của xã Nặm Păm. Tận mắt chứng kiến những thiệt hại mới thấy hết sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ. Gần chục cây số, suối Nặm Păm, tỉnh lộ 109, không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là lòng suối trước đây, toàn bộ diện tích lúa ruộng và những nền nhà bị lũ cuốn trôi chỉ còn đá chồng lên đá, nhiều cột điện gãy gục. Từng đoàn người từ chiến sĩ LLVT, cán bộ đến học sinh, sinh viên và các nhóm thanh niên tình nguyện, người khiêng, người vác từng thùng mỳ tôm, quần áo, giầy dép, nước uống, gạo... những thứ vô cùng cần thiết đối với bà con vùng lũ vào lúc này. Từng đoàn người, lúc men theo sườn đồi, lúc len lỏi giữa những tảng đá, mặc cho dòng nước đục ngàu bùn đất vẫn xối xả tuôn ra từ các khe núi, suối Nặm Păm đục ngàu vẫn cuồn cuộn chảy kéo theo cả những tảng đá to, từng tốp người giúp nhau vượt qua dòng nước xiết, họ chỉ mong sao tất cả hàng cứu trợ được chuyển đến tay bà con nhanh nhất.

 

 

Chị Nguyễn Thị Hà, hội kinh doanh Mường La - Thành phố chia sẻ: Bắt đầu từ sáng 3/8, chị em đã quyên góp được hơn 200 suất, gồm gạo, quần áo, nhu yếu phẩm, tổ chức vận chuyển vào phát trực tiếp cho các hộ bị thiệt hại và đang tiếp tục vận động quyên góp để chuyển vào cho bà con.

 

 

Rất cần sự chung tay của cộng đồng

 

Cho đến thời điểm này, tỉnh và huyện Mường La vẫn đang tập trung cao cho công tác khắc phục hậu quả, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết và nguy cơ có thể tiếp tục xảy ra các đợt lũ lớn.

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh giúp nhân dân bản Hua Nặm tháo dỡ, di chuyển nhà khỏi vùng nguy hiểm.

 

 

Hiện tại, chưa thể thống kê hết thiệt hại, hậu quả do cơn lũ gây ra hết sức nặng nề. Mỗi cân gạo, thùng mỳ tôm, chai nước, quần áo... vào lúc này đối với bà con đều rất quý. Hơn lúc nào hết, nhân dân vùng lũ đang rất cần sự chia sẻ, chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng.