DN nhỏ và vừa được vay tối đa 80% giá trị khoản vay tại tổ chức tín dụng

Lượt xem:


Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thách thức lớn nhất hiện nay của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) là tiếp cận vốn tín dụng. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV, Bộ Tài chính đề xuất, DNNVV sẽ được vay tối đa 80% giá trị khoản vay tại tổ chức tín dụng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay cả nước có 28 tỉnh, TP thành lập quỹ BLTD với tổng số vốn điều lệ lên tới 1.579 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp từ ngân sách địa phương là 1.356 tỷ đồng, từ nguồn cổ phần hóa là 107 tỷ đồng, vốn góp của tổ chức tín dụng là 32 tỷ đồng, vốn góp của các hiệp hội, tổ chức khác là 84 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD lũy kế đến nay ước trên 4.126 tỷ đồng, với khoảng trên 2000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn. Số dư bảo lãnh đến thời điểm này còn trên 411 tỷ đồng. Mặc dù vậy, vốn hoạt động của quỹ BLTD vẫn được đánh giá là thấp. Công tác quản trị, điều hành, cũng như năng lực thẩm định dự án của các quỹ BLTD còn hạn chế. 
 
Về phía các tổ chức tín dụng là đơn vị bảo lãnh khoản vay của DNNVV, do hoạt động vì lợi nhuận, nên phần lớn không muốn góp vốn vào quỹ BLTD mà muốn áp dụng chính sách bảo lãnh vô điều kiện, do đó ít có sự thống nhất trong việc hỗ trợ cho DNNVV tiếp cận vốn vay thông qua bảo lãnh. Hơn thế nữa, các tổ chức tín dụng cũng không mấy mặn mà với việc cho DNNVV bảo lãnh vay vì ngại rủi ro khi DN không có khả năng trả nợ, có thể xảy ra tranh chấp với quỹ BLTD.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù cơ chế bảo lãnh tín dụng tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận vốn vay, tuy nhiên còn khá nhiều DN chưa đáp ứng các điều kiện. Mặt khác, khi đã được bảo lãnh vay vốn, một số DN hoạt động kém, sử dụng vốn vay không hiệu quả, sai mục đích, không có khả năng trả nợ.
 
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, để quỹ BLTD hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV cần thiết phải ban hành một nghị định với hiệu lực pháp lý cao hơn các văn bản trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn, giảm áp lực về lãi suất vay. Trong dự thảo nghị định mới về tổ chức, hoạt động quỹ BLTD cho DNNVV, thay thế tất cả các văn bản hiện hành, phần lớn các đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra đều nhắm đến mục tiêu nâng cao năng lực cho các quỹ. Theo đó, để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong quản lý, giám sát khoản vay có bảo lãnh, chia sẻ rủi ro với quỹ BLTD, dự thảo Nghị định quy định, quỹ BLTD có thể cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tối đa 80% giá trị khoản vay; tổ chức tín dụng xem xét cho vay khoản vay không có bảo lãnh còn lại, tối thiểu 20% giá trị khoản vay. 
 
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng vốn điều lệ cho quỹ. Hiện nay, vốn điều lệ tối thiểu của quỹ BLTD là 30 tỷ đồng do UBND tỉnh, TP góp. Tuy nhiên, mức BLTD tối đa cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu, tức là tối thiểu 4,5 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, ngoài vốn góp từ địa phương, vốn góp của các tổ chức , cá nhân khác vào quỹ rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu về mức bảo lãnh cao hơn tỷ lệ bảo lãnh ngày càng tăng. Mặt khác, giả sử quỹ BLTD cung cấp bảo lãnh tín dụng chiếm khoảng 0,1%-0,2% GDP; với GDP là 4.503 nghìn tỷ đồng (năm 2016) thì doanh số BLTD được kỳ vọng sẽ là 4.503 - 9.006 tỷ đồng. Nếu hạn mức bảo lãnh gấp 3 lần vốn điều lệ thì số vốn điều lệ sẽ phải nằm trong khoảng 1.501 – 3.002 tỷ đồng. Vậy nhưng, 28 quỹ BLTD hiện nay chỉ có vốn điều lệ từ 53,6 tỷ đồng đến - 107,2 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức vốn điều lệ tối thiểu lên 100 tỷ đồng, khi đó mức BLTD tối đa 15% cho mỗi DNNVV tương đương 15 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, để hạn chế các tranh chấp phát sinh, dự thảo Nghị định xây dựng một chương về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (trả nợ thay). Trong đó, các quy định quy trình thực hiện nghĩa vụ BLTD, các căn cứ chính để đưa ra quyết định trả nợ thay. Căn cứ các nội dung này, quỹ BLTD sẽ quyết định trong 15 ngày và chuyển tiền trả nợ thay trong 7 ngày.
Hương Quỳnh