Hiệu quả từ một chủ trương

Lượt xem:


Xuân này trên những vùng dẻo cao, đâu đâu cũng thấy những vườn cây ăn quả xanh mướt đang dần thay thế những nương ngô, sắn. Đây là kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 41.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả ở 112 xã khu vực III đã đạt hơn 20.000 ha, chiếm 48,61% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Năng suất bình quân các loại quả đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng các loại quả các xã khu vực III ước đạt hơn 50.000 tấn. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: nhãn (Sông Mã), xoài (Yên Châu), mận hậu (Mộc Châu), sơn tra (Bắc Yên)... cho năng suất, chất lượng và thu nhập kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Ngân, bản Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên)

đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm

 

Để thực hiện chủ trương của tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện quy hoạch, hỗ trợ, khuyến khích nhân dân phát triển cây ăn quả thông qua các mô hình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, ghép mắt cải tạo vườn cây ăn quả sang các giống mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân cho phát triển cây ăn quả của các xã khu vực III trong toàn tỉnh là hơn 50 tỷ đồng. Điển hình tại huyện Mai Sơn đã triển khai 4 mô hình trồng mận hậu, bưởi da xanh, sơn tra với quy mô gần 130 ha, tập trung ở các xã: Phiêng Pằn, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Nà Ớt... Huyện Thuận Châu triển khai 7 mô hình với tổng diện tích gần 840 ha trồng và chăm sóc na Thái, chanh leo, trồng bơ xen vườn cà phê và chè, thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã: Mường Khiêng, Chiềng Pấc, Phổng Lái, Phổng Lập, Mường É, Chiềng Bôm, Chiềng Pha... Huyện Vân Hồ triển khai 14 mô hình với tổng diện tích gần 100 ha trồng quýt, giống nhãn chín muộn, cam vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh, bơ ghép, xoài GL4... Huyện Bắc Yên triển khai 2 mô hình với tổng diện tích gần 110 ha trồng xoài ghép giống Đài Loan, nhãn ghép chín muộn, tập trung ở các xã: Phiêng Ban, Song Pe, Pắc Ngà, Tạ Khoa, Chiềng Sại, Phiêng Côn. Đặc biệt, mô hình cải tạo, thâm canh cây sơn tra bằng giống ghép cành tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên đã và đang được đánh giá cao, bởi cây sơn tra đã được đưa vào loại cây trồng rừng chính, vừa phủ xanh đồi núi trọc, vừa đem lại thu nhập cao cho người dân. Điển hình về các mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập kinh tế cao và ổn định như: Gia đình ông Mùa A Chinh, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên) thu hoạch hơn 10 tấn quả sơn tra, lãi hơn 100 triệu đồng/năm; gia đình anh Lê Công Hoàn, bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) có 2 ha nhãn ghép, năng suất đạt 30 tấn quả tươi, trừ chi phí còn thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Văn Ngân, bản Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên) trồng hơn 2 ha cam, sản lượng gần 30 tấn, trừ chi phí, gia đình còn lãi gần 800 triệu đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Bá Thành, bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) cải tạo 1 ha xoài địa phương ghép mắt giống xoài Đài Loan cho thu hơn 20 tấn quả, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm...

 

Với mong muốn giúp nông dân bao tiêu sản phẩm nông sản, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất cây ăn quả tập trung; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện triển khai xây dựng các vùng trồng cây ăn quả áp dụng kỹ thuật sản xuất công nghệ cao và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, GlobalGAP... trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả an toàn; tổ chức các ngày hội, lễ hội gắn với giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh... Kết quả năm 2017, tỉnh ta đã thu hút và cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 136 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hút được các tập đoàn kinh tế mạnh đầu tư vào các dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Tập đoàn TH triển khai các Dự án nhà máy chế biến quả và đồ uống nước quả công nghệ cao với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án phát triển rau, củ, quả và dược liệu với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng; Dự án chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoot Tây Bắc với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng... Toàn tỉnh hiện có 37 hợp tác xã sản xuất cây ăn quả khu vực III và 16 lễ hội, ngày hội trong năm có liên quan đến nông nghiệp... Đã có các sản phẩm quả được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm như: “Nhãn Sông Mã”, “Xoài Yên Châu”, “Cam Phù Yên”. Sản phẩm quả nhãn, xoài da xanh và quả chanh leo của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Mỹ, Austraia và Pháp. Đã hình thành chuỗi liên kết giữa Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc với Hợp tác xã chanh leo Thuận Châu và các hộ dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả chanh leo.

 

Có thể thấy, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả đã và đang thu được những kết quả tích cực, từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 100.000 ha cây ăn quả, sản lượng 1.112.000 tấn. Để thực hiện được các mục tiêu này, hiện, tỉnh ta đang tích cực thực hiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát quy hoạch và định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn quả phù hợp; tập trung các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước gắn với các chương trình phát triển cây ăn quả và trồng rừng. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các địa phương thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các HTX và người dân những kiến thức sản xuất phù hợp với thực tế, để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu và áp dụng sản xuất hiệu quả. Đối với việc tổ chức các ngày hội có liên quan đến nông nghiệp, các cơ quan liên quan và các địa phương đã và đang nghiên cứu, nâng cấp quy mô và thực hiện xã hội hóa trong khâu tổ chức, góp phần giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của địa phương đối với thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Theo Báo Sơn La