“Cú hích” thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Lượt xem:


Đón xuân Mậu Tuất 2018, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó nền nông nghiệp tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Đã có 5 nhà máy chế biến nông sản được khởi công trong chuỗi 6 dự án chế biến, bảo quản nông sản đã đăng ký đầu tư vào tỉnh trong năm 2017.

Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

 

 

 

Tính hết năm 2017, toàn tỉnh có 42.627 ha cây ăn quả; có 323 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 79 HTX cây ăn quả; có 47 chuỗi sản xuất, tiêu thụ trong nông nghiệp; hình thành vùng nguyên liệu rau, củ, quả tập trung, an toàn, chất lượng cao trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã... sản lượng đạt trên 180.000 tấn/năm; các sản phẩm xoài, nhãn, chanh leo đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Úc, Mỹ... năm 2017, đã có 325/1.054 hộ gia đình trồng cây ăn quả thu nhập từ 300 triệu đồng/ha trở lên, 26/61 HTX có thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha trở lên.

 

 

Trong số những đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc được đánh giá là một trong những đơn vị vận hành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng, chế biến, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp thành công nhất. Từ một vườn chanh leo trồng thử nghiệm năm 2015 với diện tích 5 ha tại Mộc Châu, đến nay Công ty đã liên kết mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 700 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Vân Hồ... Tháng 12/2017, Công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến chanh leo và rau củ quả xuất khẩu, công suất 120 tấn quả/ngày, hứa hẹn mang đến những vụ mùa bội thu cho người nông dân, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

 

 

Ông Nguyễn Thái Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, cho biết: Theo chiến lược kinh doanh đến năm 2021, Công ty phát triển vùng nguyên liệu đạt 5.000 ha, năng suất dự kiến 20 - 25 tấn/ha, giá thu mua bình quân 15.000 đồng/kg; xuất khẩu quả chanh leo tươi sang thị trường: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản; tiếp tục đẩy mạnh thị trường xuất khẩu tiềm năng cho chanh leo quả tươi, chanh leo cấp đông. Cùng với đó, khi Nhà máy đi vào hoạt động, Công ty mở rộng thêm các dòng sản phẩm đặc trưng của Sơn La, như: Bơ, thanh long, dứa. Công ty khép kín chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua đầu tư trung tâm giống tại Sơn La vào năm 2018 - 2019, góp phần giảm giá thành cây giống tại khu vực; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại để đáp ứng mô hình chanh leo đạt tiêu chuẩn Global GAP phục vụ xuất khẩu vào thị trường EU”.

 

 

Tiếp sau Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Nhà máy chế biến hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH, bản Co Chàm, xã Lóng Luông (Vân Hồ) khởi công tháng 1/2018 minh chứng cho sức hút và triển vọng nông nghiệp tỉnh nhà. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây như: cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra với các dòng sản phẩm gồm nước nhãn ép, nước cam cô đặc, nước chanh leo cô đặc; sản phẩm chế biến từ  xoài, sơn tra, công suất 100 tấn quả/ngày, tương đương 30.000 tấn/năm, được đánh giá có quy mô hàng đầu Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực chế biến quả. Giai đoạn 2 xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm gồm: nước cam, nước nhãn, nước chanh leo nguyên chất đóng chai có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh.

 

 

Để Nhà máy chế biến nông sản khi hoàn thành đủ nguyên liệu sản xuất, tỉnh đã giao các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó phát triển cây ăn quả phải đảm bảo yêu cầu hiệu quả, bền vững, đúng quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020, cây ăn quả đạt 100.000 ha, gắn chặt với chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu và bảo quản, chế biến góp phần tăng độ che phủ và nâng cao thu nhập của người dân. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX trồng rau, củ, quả hiện có trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thành lập mới các HTX trên cơ sở liên kết các hộ dân trồng rau, củ quả. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo, giám sát thực hiện hợp đồng cung cấp nguyên liệu thông qua HTX, đảm bảo đủ cung cấp nguyên liệu ổn định phục vụ cho các nhà máy chế biến vận hành theo kế hoạch, khai thác tối đa công suất của Nhà máy. Đối với chủ đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lao động, môi trường; Hỗ trợ phát triển các HTX trồng cây ăn quả, thực hiện việc ký hợp đồng, cam kết bao tiêu sản phẩm đối với các HTX theo hợp đồng và chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất quả các loại tăng từ 6-8%, đưa tỷ trọng giá trị quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 30% vào năm 2020.

 

 

Tin rằng, việc các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao được xây dựng, khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch nông sản, đồng thời, việc xuất khẩu các sản phẩm sẽ nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng nông sản của Sơn La, góp phần đưa Sơn La thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

 

5 nhà máy chế biến nông sản được khởi công trong chuỗi 6 dự án chế biến, bảo quản nông sản đã đăng ký đầu tư vào tỉnh trong năm 2017, gồm: Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ Đức của Tập đoàn TH, bản Co Chàm, xã Lóng Luông; Nhà máy chế biến gia vị mỳ ăn liền công nghệ Hàn Quốc của Tập đoàn IC FOOD Hàn Quốc (Vân Hồ); Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, xã Đông Sang (Mộc Châu); Nhà máy chế biến cà phê tinh chất công nghệ Brazil, Nhà máy chế biến tinh bột sắn công nghệ Thụy Điển (Mai Sơn). 

Theo Báo Sơn La