Khoáng sản làm VLXD thông thường: Sửa Luật để tăng hiệu quả quản lý - Cần đơn giản hóa quy định cấp phép
Lượt xem:
Trong Luật Khoáng sản 2010, một số quy định trong quản lý, nhất là hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) chưa phù hợp, còn rườm rà, phức tạp.
Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn TS. Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam để làm rõ hơn những bất cập trong quy định hiện hành về khoáng sản làm VLXDTT và giải pháp tháo gỡ những khó khăn này.
TS. Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đối với khoáng sản làm VLXDTT?
TS. Nguyễn Trường Giang: Khoáng sản làm VLXDTT là loại khoáng sản rất phổ biến và dễ khai thác ở mọi quy mô từ hộ gia đình đến doanh nghiệp lớn, trong khi nhu cầu phục vụ dân sinh rất lớn và thường xuyên (làm đường, san lấp, sản xuất gạch ngói, xây dựng công trình, xây dựng dân dụng…).
Tuy nhiên, hiện nay việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, thời hạn thực hiện thủ tục áp dụng chung như các loại khoáng sản khác theo quy định tại Điều 47 và Điều 59 Luật Khoáng sản, nghĩa là hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cũng tương tự như hồ sơ cấp phép các đối tượng khoáng sản khác (vàng, titan, than…). Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà thực hiện hành vi khai thác trái phép, làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, nhất là đối với cát sỏi lòng sông, đất san lấp.
Đặc biệt, đối với trường hợp chủ thể là hộ kinh doanh đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT, trong khi các điều kiện đặt ra đối với trường hợp thăm dò khoáng sản làm VLXDTT là diện tích khu vực đề nghị thăm dò không quá 1ha (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ); điều kiện về khai thác là quy mô công suất khai thác không quá 3.000m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP), việc áp dụng quy định chung về thành phần hồ sơ, thời hạn thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản là chưa phù hợp.
PV: Ông có thể dẫn chứng những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản làm VLXDTT tại một số địa phương?
TS. Nguyễn Trường Giang: Theo phản ánh của nhiều địa phương như Lạng Sơn, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum,… thực tế quản lý nhà nước về khoáng sản làm VLXDTT đã phát sinh khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế của địa phương.
Những khó khăn này tồn tại đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp; trường hợp hộ gia đình khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong diện tích đất ở của hộ gia đình cá nhân để xây dựng công trình của gia đình trong diện tích đó, sau khi sử dụng cho công trình có dôi dư một khối lượng đất, đá, có thể sử dụng làm vật liệu san lấp (bản chất là khoáng sản làm VLXDTT) để phục vụ san lấp cho công trình khác; hoặc trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình mà sau khi phục vụ cho công trình đó dôi dư một khối lượng nhất định có thể phục vụ công trình khác.
Mỏ khai thác đất, đá làm VLXD thông thường.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, các trường hợp trên phải được cấp phép khai thác khoáng sản như đối với các loại khoáng sản khác (không phân biệt diện tích khu vực, khối lượng khoáng sản dôi dư nhiều hay ít), điều này không phù hợp, do trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản phức tạp so với quy mô của hoạt động khai thác khoáng sản ở các trường hợp này.
Theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm VLXDTT, nhưng đối với một số trường hợp khai thác khoáng sản làm VLXDTT ở quy mô nhỏ, rất nhỏ, đặc biệt ở là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, quy định trên gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc thực hiện thủ tục hành chính, phát sinh nhiều kinh phí.
Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu về khoáng sản làm VLXDTT (đất, đá, cát làm vật liệu san lấp) cho các dự án trọng điểm ngành giao thông rất lớn, đặc biệt là các dự án đường cao tốc (dự án giao thông). Nếu thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục từ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì phải mất nhiều thời gian, ít nhất là 6 - 9 tháng, thậm chí đến 2 năm.
Trong khi đó, yêu cầu tiến độ thời gian thi công các dự án giao thông thường ngắn, đặc biệt là cung cấp vật liệu đất san lấp chỉ trong thời gian vài tháng, nhiều nhất là 1 năm. Việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép khoáng sản VLXDTT như trên dẫn tới chậm tiến độ thi công các dự án giao thông.
PV: Cục Khoáng sản Việt Nam đã kiến nghị Bộ TN&MT giải quyết những bất cập trên như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Trường Giang: Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021).
Trong đó, đối với các mỏ VLXDTT đã cấp phép (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển), cho phép địa phương nâng công suất khai thác không quá 50%, riêng với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc mà không phải điều chỉnh dự án đầu tư, báo cáo ĐTM; đối với mỏ chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì cấp trực tiếp cho nhà thầu (đối với dự án đầu tư công), nhà đầu tư (đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và BOT).
Nhờ áp dụng cơ chế đặc thù trên tại các địa phương có các dự án đi qua, từ khi thiếu khoảng trên 50 triệu m3 vật liệu san lấp (chủ yếu là đất san lấp) vào đầu năm 2021, đến 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản không còn thiếu vật liệu san lấp, kịp tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án giao thông.
Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, cần quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép VLXDTT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian cấp phép, nhất là cho các dự án trọng điểm ngành giao thông, Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh trong quá trình sửa đổi Luật Khoáng sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo TN&MT (Link bài viết gốc)