Chủ động, sáng tạo, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững
Lượt xem:
Cách đây 78 năm, ngày 13/10/1945, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh rõ vai trò, tầm quan trọng của giới Công Thương trong việc xây dựng một nền kinh tế đất nước vững mạnh. Bác khẳng định “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Bức thư được coi là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Trải qua các giai đoạn của lịch sử, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 13/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Sơn La đã nỗ lực, sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động có sự chuyển dịch phù hợp với yêu cầu cơ cấu kinh tế; hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 1.690 doanh nghiệp, đóng góp ngân sách trên 800 tỷ đồng, thì đến nay, đã tăng lên trên 3.400 doanh nghiệp; trong đó, có 2.369 doanh nghiệp đăng ký kê khai nộp thuế, hằng năm đóng góp 50% tổng số thu ngân sách địa bàn.
Thực hiện tốt chức năng đại diện - kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành 3 chương trình công tác, 72 hoạt động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành theo hướng “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm). Đến nay, Hiệp hội có 11 chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố; 6 tổ chức thành viên, tổng số 816 hội viên. Phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Hiệp hội tổng hợp 31 kiến nghị, chủ trì tổ chức các hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp hội viên với lãnh đạo các sở, ngành; các kiến nghị cơ bản được xem xét trả lời, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động chuyên môn do các cấp, các ngành giao; tham gia đóng góp ý kiến đối với 60 dự thảo các văn bản nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch… của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Thực hiện tốt vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; Ban Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tỉnh; Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; Tổ công tác đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) tỉnh Sơn La; Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh; thành viên Ban tổ chức và tổ giúp việc Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ I năm 2023...
Hoạt động liên kết, xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng triển khai, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới. Các phong trào thi đua, chương trình an sinh xã hội do Hiệp hội phát động được hội viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia ủng hộ, với tổng trị giá trên 17 tỷ đồng; thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng.
Bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả đạt được, các doanh nghiệp của tỉnh còn gặp những khó khăn, hạn chế. Đa số các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; tỷ trọng doanh nghiệp trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ; đa số các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững. Chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu, các doanh nghiệp xuất khẩu...
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì sự phát triển bền vững, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xác định mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Một là, cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh bám sát chủ trương, định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, nhất là 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm. Đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững; điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh; nhất là yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; xây dựng kinh tế tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển “xanh, nhanh và bền vững”; doanh nghiệp phát tài, Sơn La phát triển.
Hai là, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; nhất là các chính sách hỗ trợ về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi số, hỗ trợ thủ tục hành chính... Tập trung cao các giải pháp thực hiện nhanh nhất, hiệu quả, đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tốt yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng đại diện - kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố duy trì đối thoại với doanh nghiệp; kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên.