ĐƯA NGHỊ QUYẾT 41 VÀO CUỘC SỐNG DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN TỈNH SƠN LA

Lượt xem:


Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ban hành. Tiếp đó tại bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 Điều 51 Khoản 1 của Hiến pháp tuyên bố: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Đó là “cú hích” có sức nặng pháp lý cơ bản, quan trọng và xuyên suốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.

 Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân v v…Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để khắc phục những tồn tại yếu kém nêu trên, ngày mùng 10 tháng 10 năm 2023 Bộ Chính trị đã có nghị quyết số 41 về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Bày tỏ phấn khởi đón nhận sự quan tâm của Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều ý kiến khẳng định: Nghị quyết ra đời như một “Món quà” đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, đó là “kim chỉ nam”, là “kinh thư” vô giá để đội ngũ Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam vững tin và tiến bước cùng các giai tầng xã hội chung lòng dựng xây Tổ quốc hùng cường, phát triển.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị với mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ Doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng. Năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến. Tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển Đất nước. Nghị quyết đặt mục tiêu rõ ràng cho cộng đồng DN, đội ngũ Doanh nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo tôi ở NQ 41 có 2 vấn trọng tâm( đặc biệt có vấn đề hoàn toàn mới) đó là:

Một là:  Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò to lớn và sự đóng góp của DN,DN vào tiến trình xây dựng và phát triển Đất nước. Nghị quyết 41 của Bộ C với mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng. Năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến. Tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Nghị quyết đặt mục tiêu rõ ràng cho cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. “Nghị quyết 41 ra đời chính là Nghị quyết để định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển năm 2045. Nghị quyết này có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết sẽ là nền tảng để chúng ta tạo dựng một môi trường kinh doanh mới, môi trường chính sách mới cho giới doanh nhân Việt Nam phát triển”.

Hai là: Nghị quyết 41 nêu ra những nội dung mới như: “ hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Khẩn trương rà soát thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh bình đẳng, thuận lợi, an toàn”.

Những năm qua tỉnh Sơn La đã tập trung rà soát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến  tháng 10 năm 2023 tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh có trên 3.250 doanh nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Sơn La đã ban hành và áp dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Một số cơ chế, chính sách được áp dụng như: Hỗ trợ phát triển cà phê bền vững; hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2025; Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh...

Tỉnh Sơn La đã tập trung rà soát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp; định kỳ  tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tín dụng… Từ năm 2018, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Chương trình ra mắt “Cà phê Doanh nhân” tỉnh. Tại Chương trình Cafe doanh nhân, các doanh nhân đã được thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, giải quyết, tháo gỡ “điểm nghẽn” để doanh nghiệp phát triển. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng độ tốc độ phát triển các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng lên đáng kể, đến hết năm 2008 trên địa bàn tỉnh chỉ có 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, đến hết năm 2020 có khoảng 182 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng 300% so với năm 2008. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã thực hiện hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đào tạo tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng kinh phí khoảng 28,2 tỷ đồng.

Tỉnh đã triển khai một số chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp tại các địa bàn vùng khó khăn; khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng, rõ nét cả về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động. Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 682 Hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 589 Hợp tác xã nông nghiệp, tăng 478 Hợp tác xã so với năm 2008. Năm 2022, có 880 hợp tác xã đăng ký hoạt động. Thành lập mới 122 hợp tác xã đạt 114% so với kế hoạch năm 2022; các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, cụ thể hóa và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể theo chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Tập trung làm mạnh số hóa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết 41 ra đời chắc chắn sẽ là luồng sinh khí mới giúp Doanh nghiệp, Doanh nhân tỉnh Sơn La phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa góp phần đắc lực vào tiến trình phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh Sơn La.

Cà Văn Chiu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế tỉnh Sơn La