Hành trình trở thành Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

Lượt xem:


Có nguồn di sản văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, Khu du lịch Mộc Châu được công nhận Khu du lịch quốc gia. Kết quả này là hành trình hơn 10 năm nỗ lực của tỉnh, các ngành chức năng và hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ đã biến mục tiêu, khát vọng thành hiện thực.

Họp Ban Chỉ đạo xây dựng huyện Mộc Châu thành thị xã và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Định hướng phát triển

Khu du lịch Mộc Châu có quy mô 206.150 ha, nằm trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, là cửa ngõ kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng; kết nối cửa khẩu quốc tế Lóng Sập với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, là địa chỉ nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Trong không gian phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng trên hành trình du lịch “Qua miền Tây Bắc”.


Điểm du lịch Đồi chè trái tim trên cao nguyên Mộc Châu.


Vùng đất Mộc Châu và Vân Hồ còn là nơi sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, đã tạo nên những giá trị quý giá, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc. Mộc Châu từng có tên theo tiếng Thái là “Mường Mok”, nghĩa là đất sương mù. Không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã trở thành “đặc sản”, thành tiềm năng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển du lịch.

Phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan, sinh thái và bản sắc văn hóa so với các khu vực khác trong vùng, đã tạo tiền đề quan trọng để Sơn La xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng một khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia.

Từ năm 2008, tỉnh Sơn La đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định lập quy hoạch phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Trong đó, Mộc Châu được xác định là một trong 10 khu du lịch quốc gia và là động lực phát triển du lịch cho toàn vùng. Tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Mộc Châu nằm trong danh mục 49 khu du lịch quốc gia.


Du khách trải nghiệm Cầu kính Bạch Long, tại Khu du lịch Mộc Châu Island.


Cụ thể hóa các định hướng phát triển du lịch đưa Mộc Châu trở thành Khu du lịch quốc gia có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của Sơn La và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, ngày 1/4/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và đặt ra mục tiêu đưa Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước; phát triển du lịch góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và sự đồng thuận của nhân dân. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã nhanh chóng được triển khai thực hiện. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, tổ chức các bước lập quy hoạch. Ngày 12/11/2014, “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2050/QĐ-TTg. Tiếp sau đó, ngày 25/01/2019, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030, cũng được phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu hình thành ba trung tâm du lịch trọng điểm gồm: Trung tâm nghỉ dưỡng; trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm vui chơi giải giải trí. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tính chất là sinh thái, văn hóa với các loại hình du lịch đa dạng; là vùng kinh tế trọng điểm phát triển kinh tế phía nam của tỉnh Sơn La; là trung tâm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; là vùng bảo tồn sinh thái quốc gia; là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.


Trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông.


Nỗ lực và quyết tâm cao

Thực hiện các quy hoạch, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đẩy mạnh thu hút đầu đầu tư; quan tâm, chú trọng, ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, nhất là đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên quốc gia. Trong đó, đã thực hiện liên kết hợp tác phát triển du lịch nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Lào.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV và Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm cao với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đó là: “Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đến năm 2025 được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”.


Khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.


Ngày 23/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng huyện Mộc Châu thành thị xã và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ; hoàn thiện quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đến nay, đạt tỷ lệ phủ kín 100% diện tích quy hoạch chung khu du lịch trọng điểm và phủ kín 36% diện tích quy hoạch chi tiết trên diện tích quy hoạch chung khu du lịch trọng điểm, làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Những chủ trương, định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu từng bước được cụ thể hóa. Trong đó, hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là giao thông; nhiều sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu và trở nên nổi tiếng, như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao...

Nhiều khu du lịch, điểm du lịch được đầu tư một cách bài bản, đúng hướng và hiệu quả; nổi bật là Khu du lịch Mộc Châu Island, Khu du lịch Rừng thông bản Áng, Khu du lịch Thác Dải Yếm, Happy land Mộc Châu... Các giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy, tiêu biểu như: Xòe Thái, nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông, Múa chuông dân tộc Dao, Lễ hội Hết chá, Lễ hội Hoa ban, Lễ hội Hoa đào, Ngày hội hái quả... thường xuyên được tổ chức, tạo sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đến nay, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có 324 cơ sở lưu trú, 395 cơ sở phục vụ ăn uống, 58 cơ sở mua sắm phục vụ du khách. Đặc biệt, hai năm liên tiếp (2022-2023) Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn, vinh danh giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Lượng khách du lịch đến tham quan tại Mộc Châu ngày càng tăng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đạt trên 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Xứng tầm Khu du lịch quốc gia

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, sự đồng thuận của nhân dân Mộc Châu, Vân Hồ, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã hoàn thành 20/20 tiêu chí. Ngày 22/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đây là khu du lịch quốc gia thứ 8 trong toàn quốc được công nhận.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Mộc Châu rất vui mừng và tự hào khi được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đây là động lực quan trọng để huyện Mộc Châu và Vân Hồ tiếp tục phấn đấu đưa du lịch ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, xứng tầm là Khu du lịch quốc gia.


Giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam năm 2024 tại huyện Mộc Châu


Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển bền vững, các cấp, các ngành của tỉnh và hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch; hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch và hạ tầng khác. Hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí khu du lịch quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển ứng dụng du lịch thông minh; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Sơn La, phát huy thương hiệu du lịch “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.

Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Xây dựng các khu, điểm, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng. Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh, nhanh, bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; trở thành một trong những khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước, tạo nên một thương hiệu mạnh mẽ, bền vững cho du lịch Sơn La và vùng Tây Bắc.

 

Theo Báo Sơn La