Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam
Lượt xem:
Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái Halal đầy đủ để tận dụng tiềm năng thị trường Halal rộng lớn với 2,18 tỷ người vào năm 2030, quy mô dự báo đạt mức tối đa 3.000 tỷ USD vào năm 2025.
Sáng 5/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái Halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam."
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, đây là dư địa nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách.
Hơn nữa, tiềm năng thị trường Halal rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và quy mô dự báo sẽ đạt mức tối đa 3.000 tỷ USD vào năm 2025.
Do vậy, Hội thảo đánh dấu sự khởi đầu ý nghĩa trong hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, góp phần triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023.
Hội thảo cũng tạo diễn đàn trao đổi về các cơ hội đối với Việt Nam trong việc khai mở xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư và du khách Hồi giáo, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và các quốc gia khác trên thế giới; đánh giá khả năng tiếp cận thị trường Halal trên bình diện toàn cầu đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái Halal của một số nước trên thế giới; phân tích và chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái Halal ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất các nhóm giải pháp từ phía Nhà nước như hoàn thiện hệ thống pháp lý thúc đẩy phát triển các sản phẩm Halal; xây dựng các chính sách giúp ngành công nghiệp Halal Việt Nam đủ nội lực về tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi có được giấy chứng nhận Halal...
Chia sẻ về phát triển Hệ sinh thái Halal trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng nghiên cứu Trung Đông và Tây Á cho rằng Hệ sinh thái Halal là mạng lưới các thành phần tham gia vào chu kỳ tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ Halal, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung.
Mỗi thành phần trong hệ sinh thái đều có những hoạt động, chức năng độc đáo riêng, có mối liên hệ cộng sinh với nhau, tạo nên mối quan hệ phát triển không ngừng hướng tới sự bền vững của ngành Halal.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Công Hoàng, thực tế không có nhiều người Việt Nam, kể cả doanh nghiệp có hiểu biết về Halal, hơn nữa quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa với quốc tế.
Chi phí cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản...), tuân theo các tiêu chuẩn Halal.
Ngoài ra, còn thiếu một hệ sinh thái Halal đầy đủ (gồm Hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và hỗ trợ của Nhà nước) để phát triển ngành Halal bền vững.
Đề xuất một số giải pháp phát triển hệ sinh thái Halal ở Việt Nam, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Công Hoàng, trước hết Việt Nam cần triển khai hiệu quả Đề án quốc gia “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” (Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023); nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, địa phương tại Việt Nam về tiềm năng của thị trường Halal; đẩy mạnh “Ngoại giao kinh tế” với các nước Hồi giáo, nghiên cứu ký kết FTA giữa Việt Nam và các thị trường Halal tiềm năng, tận dụng lợi thế từ các hiệp định khu vực…
Ngoài ra, Việt Nam cần thành lập Cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam (HALCERT) và triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hóa, thử nghiệm, cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp và chuyên gia, ký kết các hiệp định công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau với các quốc gia Hồi giáo.
Bên cạnh đó, thiết lập chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và hệ sinh thái Halal, thu hút cả FDI và đầu tư Halal trong nước, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu Halal trong các lĩnh vực ưu tiên (thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép...); thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo, Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) đã diễn ra trước sự chứng kiến của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia châu Á và châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS). (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi Nguyễn Xuân Trung cho biết, kế thừa những thành quả phát triển từ Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (2004-2023), Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (2011-2023), Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi hiện là đơn vị nghiên cứu khu vực học có quy mô lớn nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cả về phạm vi, đối tượng nghiên cứu và nguồn nhân lực với hơn 50 viên chức và người lao động.
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về kinh tế-phát triển, chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội, khoa học-giáo dục... và thực hiện hoạt động tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách đối với khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, bao gồm hơn 80 quốc gia với dân số trên 3 tỷ.
Qua đó, Viện góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và tầm ảnh hưởng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực này cũng như trên thế giới.../.
Theo Thông tấn xã Việt Nam