Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tuy là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại rất lớn...

Lượt xem:


Chiều ngày 22/8, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Sự kiện quan trọng và ý nghĩa này do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh cùng đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

"Tuy là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại rất lớn, rất vĩ đại"

Tại sự kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để làm tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ các quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Hiệp hội cũng đã phát triển mạng lưới mạnh mẽ và tham gia tích cực vào chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, tham gia vào thị trường,…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển.

"Với số lượng chiếm đa số trên cả nước (trên 98%), doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, quyết định hằng ngày đến đời sống nhân dân. Xã hội muốn phát triển cũng không thể thiếu được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Ngoài ra, vào ngày 10/10/2023, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới".

“Tuy là cộng động doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại rất lớn, rất vĩ đại”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đến nay vẫn còn rất nặng nề. Mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt được thời cơ, lợi thế để bứt phá, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đang căng mình với những khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Cho rằng tuy còn nhiều điều cần phải tiếp tục quan tâm, hoàn thiện về khuôn khổ chính sách, sự chung tay của các cấp, các ngành, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định luôn trân trọng và ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế nước nhà.

Nguồn động viên to lớn dành cho cộng đồng doanh nghiệp

Thay mặt đoàn Hiệp hội, TS.Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Trong không khí hân hoan toàn quốc hướng về kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, lần đầu tiên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu ưu tú đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước và tập thể Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đây là niềm vui, niềm vinh dự đặc biệt lớn lao và là nguồn động viên to lớn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành cho cộng đồng doanh nghiệp, đem lại nhiều kỳ vọng mới đối với chúng tôi".

TS. Nguyễn Văn Thân cũng bày tỏ sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã luôn quan tâm, định hướng và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của mình.

Cũng tại sự kiện, TS. Nguyễn Văn Thân đã báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội trong thời gian vừa qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp liên quan đến công tác Hội:

Thứ nhất, kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo sớm nghiên cứu và ban hành Luật về Hội/Hiệp hội để củng cố hành lang pháp lý vững chắc cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thứ hai, kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội để nghiên cứu, sửa đổi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ ba, kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trụ sở làm việc trên tinh thần cho thuê với mức giá ưu đãi để củng cố hình ảnh của một tổ chức đại diện cấp quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nơi quy tụ và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho đất nước, xã hội.

Thứ tư, kiến nghị Đảng và Nhà nước sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành kế hoạch, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiếp lời của TS.Nguyễn Văn Thân, ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cũng đã bày tỏ niềm vinh dự khi được tiếp kiến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

"Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào các định hướng đúng đắn, được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội”, ông Hùng cho biết.

Với cương vị Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Hùng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành công cụ thiết yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Để đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế số, ông Hùng đề xuất 3 giải pháp chính, thứ nhất là thúc đẩy các mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực chuyển đổi số thay vì chỉ dành cho lĩnh vực giáo dục. Thứ hai, cần mở rộng các chính sách hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực chuyển đổi số, tăng cường mở rộng các kênh kết nối tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ ba là thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đào tạo, truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội

Lắng nghe được hết nguyện vọng của đại diện Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội. Đồng thời cần có nhiều nội dung, phương thức tổ chức sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, hạn chế trong điều kiện hoạt động đặc thù của Hội; hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp, phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện cấp quốc gia, thực sự là nơi tập hợp, lan tỏa, nuôi dưỡng sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hoạt động của Hiệp hội phải tập trung vào mục tiêu ưu tiên, mang lại hiệu quả rõ ràng, thiết thực đối với hội viên, đó cũng là nền tảng để Hiệp hội có thể mở rộng sự tham gia của hội viên; đồng thời nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục. Cùng với đó, cần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ; nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm; chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các Hiệp định FTA đang mở ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, Hiệp hội phải là nơi định hướng hoạt động của doanh nghiệp thành viên, tuyệt đối tuân thủ luật pháp, thực hành chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Đồng thời nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo dựng uy tín, vị thế cho doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia, đất nước.

Khẳng định đất nước sau gần 40 năm đổi mới đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới to lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm kinh tế tốt, mà còn làm tốt cả công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ doanh nghiệp để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự, trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành trọng trách của mình. Các doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm nên tính ưu việt của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo doanhnghiephoinhap.vn