Vinatea Mộc Châu làm nên thương hiệu chè Mộc Châu
Lượt xem:
Cây chè được trồng trên cao nguyên Mộc Châu của Công ty Chè Mộc Châu (nay là Vinatea Mộc Châu) đến nay đã gần 7 thập kỷ. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Vinatea Mộc Châu đã làm nên thương hiệu chè Mộc Châu, chinh phục thị trường, phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Gần 7 thập kỷ xây dựng và phát triển
Để hiểu rõ hơn về lịch sử của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Đức Vinh, tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ông Vinh là một trong số gần 1.700 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 tình nguyện ở lại cao nguyên này để xây dựng Nông trường Quân đội, tiền thân của Nông trường quốc doanh Mộc Châu, sau này được chia tách thành Vinatea Mộc Châu ngày nay.
Năm nay, đã gần 90 tuổi, nhưng ông Vinh vẫn còn minh mẫn và nhớ như in ngày bắt đầu khai hoang, mở đất trồng cây, cũng là ngày thành lập Nông trường Quân đội 8/4/1958. Ông Vinh kể: Thời điểm đó, cao nguyên còn hoang sơ lắm, chủ yếu là đồng hoang, cỏ dại, cây cối um tùm, khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông, giá rét, sương mù.
Việc khai hoang, mở đất cũng gian nan bởi đều bằng sức người với dụng cụ lao động thô sơ. Cùng với khai hoang trồng ngô, sắn, Nông trường thử nghiệm trồng cây chè; chè được đào hố, trồng bằng hạt. Sau một thời gian, trên vùng đất cao nguyên những mầm chè đầu tiên đã vươn lên.
Sau một năm thành lập, cán bộ, chiến sĩ Nông trường vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và động viên. Ngày 8/5/1959, Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ của Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm các đội sản xuất, nói chuyện và dặn dò cán bộ, chiến sĩ Nông trường. Tại đây, Bác đã ghi vào sổ truyền thống của Nông trường 16 chữ vàng “Luôn luôn cố gắng; Khắc phục khó khăn; Tiến lên thật hăng; Làm tròn nhiệm vụ”.
Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ của Nông trường luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng Nông trường ngày càng phát triển. Cùng với chăn nuôi bò sữa, Nông trường quyết định lựa chọn phát triển cây chè là hướng đi lâu dài. Từ đó, diện tích chè tiếp tục mở rộng theo từng năm, trong đó được trồng nhiều nhất là ở thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã: Chiềng Sơn, Tân Lập, Phiêng Luông.
Tiếp đó, Nông trường Quân đội đổi thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu, trải qua nhiều năm, đến nay đã được chuyển đổi và chia tách làm nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau, gồm: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Mộc Châu; Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Công ty dâu tằm tơ Mộc Châu...
Tiếp nối các thế hệ, cán bộ, công nhân Vinatea Mộc Châu đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Công ty đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ cho những hộ dân liên kết.
Thương hiệu Vinatea Mộc Châu
Hiện nay, Vinatea Mộc Châu có công ty quản lý trên 550 ha chè nguyên liệu, chủ yếu là giống chè Shan Tuyết Mộc Châu được trao Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.300 tấn chè thành phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ cho toàn bộ 1.952 hộ trồng chè đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, thông tin: Nhiều năm qua, công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bây giờ, các hộ làm chè đều ký hợp đồng và tham gia chuỗi liên kết sản xuất chè với công ty; 100% diện tích sử dụng máy làm đất; chè được thu hái bằng máy; toàn bộ diện tích vùng trồng áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng; 100% sản lượng chè búp tươi được vận chuyển bằng phương tiện cơ giới về nhà máy; hệ thống đường trục chính vào khu sản xuất, đường nội đồng đều được cứng hóa... Với những nỗ lực của Vinatea Mộc Châu và các hộ trồng chè, ngày 15/2/2022, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu với tổng diện tích hơn 329 ha chè của 1.179 hộ dân trồng chè tại thị trấn Nông trường Mộc Châu liên kết sản xuất với Vinatea Mộc Châu.
Với nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cũng như vì sức khỏe của người tiêu dùng, công ty chú trọng sản xuất các sản phẩm chè theo tiêu chí “sạch - ngon - lành” với nhiều sản phẩm đa dạng như: Chè Ôlong Vân Sơn, Chè Tuyết thế kỷ và sản phẩm Pouchung dành cho xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Đài Loan.
Một hướng đi khác cũng được Vinatea Mộc Châu tích cực triển khai, đó là kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái với việc xây dựng làng chè Mộc Châu. Xây dựng các ki ốt giới thiệu sản phẩm để du khách trực tiếp được thưởng thức hương vị chè và trải nghiệm, ngắm cảnh tại làng chè. Làng chè đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách khi có dịp đến tham quan, trải nghiệm tại cao nguyên Mộc Châu.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và thương hiệu vùng nguyên liệu chè công nghệ cao; nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mục tiêu đưa sản phẩm đến các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, EU. Năm 2023, Vinatea Mộc Châu được tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án nhà máy chế biến chè Mộc Châu - Tổng Công ty Chè Việt Nam, quy mô 2,5 ha, công suất 125 tấn chè tươi/ngày, tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng. Theo đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới với công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, dây chuyền khép kín góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của Chè Mộc Châu, nâng cao đời sống người lao động và bà con trồng chè.
Gần 7 thập niên xây dựng và phát triển, Vinatea Mộc Châu luôn kiên định với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và thương hiệu vùng nguyên liệu chè công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến các thị trường có giá trị cao. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái, gắn với thưởng thức hương vị chè và trải nghiệm, ngắm cảnh trên các đồi chè, tăng giá trị của cây chè Mộc Châu.
Theo baosonla.vn