Khẳng định vai trò kinh tế tập thể và tư nhân

Lượt xem:


Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự nhanh nhạy, năng động, thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày một lớn mạnh, trở thành trụ đỡ cho sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Hợp tác xã Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

 

Ngày 31/8/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.600 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm khoảng 75 - 80% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động; giải quyết việc làm khoảng 100.000 lao động; thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng đóng góp cho ngân sách nhà nước giai đoạn khoảng 4.915 tỷ đồng… Cùng với đó, phấn đấu có 1.000 hợp tác xã, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ, như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật... Khuyến khích, tạo điều kiện các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực vượt khó, cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng phát triển. Đến ngày 15/3, toàn tỉnh có 3.839 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 79.676 tỷ đồng, hoạt động tập trung ở một số lĩnh vực: Xây dựng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ du lịch...

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Hằng năm, đóng góp khoảng 55% GRDP, trên 60% thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh, giải quyết việc làm hơn 110.000 lao động. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có sự chuyển dịch phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có nhiều dự án đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.


Sản phẩm dâu tây của các HTX tại Sơn La được đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Ảnh Thu Hà Vietnam Airlines


Động lực mới cho kinh tế tư nhân

 

Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng, nhưng đa số doanh nghiệp của tỉnh quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 80%; vốn sản xuất kinh doanh thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều, thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp. Một số hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân tuy đã triển khai, nhưng chưa đạt hiệu quả cao; hình thức, cách thức hỗ trợ chưa tiếp cận đến số lượng nhiều doanh nghiệp.

Công ty TNHH truyền thông và du lịch Mocha (Mocha travel), thị xã Mộc Châu thành lập tháng 10/2023, hoạt động trong lĩnh vực lữ hành cung cấp các dịch vụ tour, tuyến du lịch nội tỉnh, ngoại tỉnh cho du khách. Ngoài ra, Công ty kinh doanh nhà hàng ẩm thực, với các món ăn nhanh, lẩu nướng, nhận đặt cơm theo thực đơn tại Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Chị Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Mocha travel, chia sẻ: Công ty được cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; tham gia các hội nghị, hội thảo, đối thoại về lĩnh vực du lịch do các đơn vị tổ chức. Qua đó, Công ty nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về du lịch. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đảm bảo phát triển đúng định hướng, mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, được tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng doanh thu.

Ngày 28/2/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2025/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” có hiệu lực từ ngày 20/4/2025. Thông tư xác định rõ cơ chế quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, hướng dẫn cách thức phân bổ, sử dụng kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong chương trình đảm bảo hiệu quả, minh bạch và đúng mục đích; thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp bền vững, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ kinh doanh bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tiến, thông tin thêm: UBND tỉnh Sơn La đã giao nhiệm vụ Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu giúp UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Tập trung rà soát, đánh giá và tiếp tục cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phù hợp và sát với thực tiễn, tránh tình trạng nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo song không hiệu quả, khó thực hiện. Quan tâm phát triển thương hiệu, chất lượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các vùng sản xuất, sản phẩm nông sản... góp phần nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Theo Báo Sơn La