VCCI: Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh, Sơn La xếp vị trí 49/63
Lượt xem:
Ngày 16-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2014. Vị trí quán quân thuộc về Đà Nẵng. Sơn La xếp thứ 49/63 tỉnh thành và thuộc vào nhóm tương đối thấp.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ông Tes Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trao Kỷ niệm chương cho đại diện các tỉnh xuất sắc trong PCI 2014
Nguồn: Bản tin nội chính TW: Báo cáo PCI 2014 công bố kết quả điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo PCI năm nay cũng sẽ công bố những đánh giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam, đánh giá của doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp. PCI năm 2014 tiếp tục được đánh giá trên các chỉ số như:
1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;
2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
4) Chi phí không chính thức thấp;
5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
7) Lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;
9) Chính sách đào tạo lao động tốt;
10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Theo Báo cáo, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI với số điểm 66,87. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” khi chính quyền thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tích cực gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp.
Hai vị trí tiếp theo là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Đặc biệt, Lào Cai năm nay đã cải thiện 14 bậc lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2014. Tỉnh cũng có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI).
Cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, Thành phố Hồ Chí Minh được xếp vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh vốn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong thời gian gần đây đã liên tục có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng.
Cũng theo khảo sát của PCI 2014, doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và các mức thuế hợp lý.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao cũng như đơn giản hóa việc cấp giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài được coi là những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư.
Đây là năm thứ 10 chỉ số PCI được công bố. Trong 10 năm phát triển, PCI đã luôn hướng đến một mục tiêu xuyên suốt là phản ánh chân thực “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về môi trường kinh doanh ở các địa phương qua thước đo là sự hài lòng của họ đối với bộ máy công quyền.
Trong 10 năm qua, đã có 88.000 doanh nghiệp tham gia trả lời PCI. Dự án đã tổ chức 257 hội thảo với trên 42.000 lượt lãnh đạo, cán bộ tham gia. Đồng thời, đã có trên 1 triệu lượt bài báo và tin tức đã đăng tải các sự kiện về PCI hoặc sử dụng PCI như một công cụ phân tích về môi trường kinh doanh các địa phương.
Thu Huyền