Hội cà phê tỉnh Sơn La: Tích cực phát triển thương hiệu cà phê Sơn La

Lượt xem:


Hội Cà phê tỉnh Sơn La thành lập theo quyết định 2141/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Trải qua một nhiệm kỳ, Hội đã có nhiều đóng góp trong việc kết nối doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cũng như tìm đầu ra cho ngành cà phê tỉnh.

Nhân dịp chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ II Hội cà phê tỉnh Sơn La, phóng viên TC Doanh nghiệp & Đầu tư có cuộc phỏng vấn ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội để hiểu hơn về hoạt động và những đóng góp của Hội cho ngành cà phê của tỉnh nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung.

Ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La

 

PV: Xin ông chia sẻ về hoạt động của Hội trong thời gian qua?

Ông Vương Văn Hải: Hội cà phê tỉnh Sơn La là tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê trên địa bàn một cách tự nguyện và đoàn kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cà phê Sơn La. Chúng tôi hoạt động trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa các tổ chức và cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê... Với 6 đơn vị tập thể ban đầu và 58 cá nhân thành viên hội, sau 5 năm hội đã kết nạp thêm 06 Doanh nghiệp, HTX đó là Công ty CP Cà phê Phúc Sinh Sơn La; HTX Cà phê Bích Thao; HTX XD và PT Nông thôn Mường Chanh; HTX Ara Tay Coffee; HTX Cà phê Đào Chiềng Ban; Công ty TNHH Tuấn Út Sơn La cùng hàng ngàn cá nhân làm cà phê trong tỉnh. Hội cũng gia nhập và hiện đang là thành viên của 3 tổ chức: HH Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa); HH Doanh nghiệp tỉnh Sơn La; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La. 

Sơn La có diện tích cà phê trên 20.000ha, sản lượng hàng năm ước 40.000 - 50.000 tấn nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Cà phê Sơn La là cây có thế mạnh, có tiềm năng lớn trong tỉnh, thu hút hàng vạn hộ nông dân, hàng chục doanh nghiệp, HTX và hàng trăm cơ sở thu gom, chế biến nhỏ. Diện tích, sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước. Cà phê chè (Arabica) là loại cà phê chất lượng cao, giá trị thường cao gấp 1,5 - 2 lần so cà phê Vối (Robusta).

Việt Nam hiện có 95% là cà phê vối, chỉ có 5% là cà phê chè. Do vậy Cà phê Sơn La rất có giá trị. Sơn La cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống; Cà phê hạt rang và Cà phê bột. 

Sơn La có 6 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn trong tỉnh thì cả 6 đơn vị đều đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” và cả 6 đơn vị này (Minh Tiến; Cát Quế; Phúc Sinh; Minh Châu; Bích Thao; AraTay) đều tham gia chế biến sâu, sản xuất ra cà phê hạt rang, cà phê bột phục vụ tiêu dùng trong ngoài tỉnh. Tỷ lệ chế biến sâu trong tỉnh phục vụ tiêu dùng đạt 5% so 15% của cả nước.

Thời gian qua, Hội đã tích cực tham gia các sự kiện, các dự án, các chương trình của tỉnh về phát triển cà phê, cây công nghiệp, cây nông sản xuất khẩu, tham dự các hội thảo, triển lãm trưng bày sản phẩm. Ngay sau thành lập, Hội nhanh chóng nhập cuộc và tham gia vào ban tổ chức “Công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La và ngày hội cà phê huyện Mai Sơn” cùng UBND huyện Mai Sơn và các sở ngành tổ chức thành công lễ hội Cà phê năm 2017. Các thành viên của hội tiêu biểu như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến, Cát Quế, Phúc Sinh, DN Minh Châu và HTX Bích Thao rất nhiệt tình góp công, góp sức và kinh phí tạo nên thành công cho lễ hội. 

Hội tích cực tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu cà phê Sơn La trên mọi miền đất nước. Các thành viên Hội tham gia và mang sản phẩm đến trưng bày tại gian hàng Cà phê Sơn La trong buổi lễ “Ngày Cà phê Việt Nam” (10/12) lần thứ nhất tại Đà Lạt, Lâm Đồng, triển lãm gian hàng tại “Hội chợ Nông đặc sản vùng miền 2017” tại trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội từ ngày 19 - 25/12/2017, và nhiều hội chợ trong nước và quốc tế.

Năm 2021, Hội tổ chức thành công Ngày cà phê Việt Nam tại Sơn La với chủ đề “Cà phê Sơn La, niềm tin của mọi nhà”. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, (từ 9 -10/12/2021) gồm chuỗi hội thảo khoa học, gặp gỡ giao lưu các thành viên đã và đang làm cà phê trong tỉnh, trưng bày giới thiệu sản phẩm, có cả phần hội sôi động, hoành tráng vui vẻ. Lễ hội là nguồn động viên, khích lệ, tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của hội viên cho ngành Cà phê Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng. Đặc biệt năm 2022, Hội tham gia đóng góp cho lễ hội Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt nam tại tỉnh Sơn La. 

Hội đã nhiệt tình hưởng ứng cùng TP. Sơn La tổ chức lễ hội cà phê TP. Sơn La lần thứ nhất năm 2022 thành công tốt đẹp. Tất cả các đơn vị thành viên trong hội cùng vào cuộc, góp công, góp sức, góp kinh phí và tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm vô cùng phong phú. 

Hội đã tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào dự lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, học hỏi kinh nghiệm để về tổ chức lễ hội cà phê cho tỉnh Sơn La sau này. 

Hội đã kết nối cho các thành viên của hội tham gia các chương trình sản xuất cà phê sạch, cà phê hữu cơ, cà phê ứng dụng công nghệ cao; Triển khai trồng giống mới, mở rộng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản trong tỉnh; Tham dự các dự án, chương trình phát triển cà phê sạch, cà phê bền vững của Bộ Nông nghiệp PTNT; Tăng cường chế biến sâu, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê tan phục vụ người tiêu dùng; Nâng cao thu nhập cho người làm cà phê.

Hội tham gia sinh hoạt tích cực, đầy đủ các cuộc họp, hội thảo của tỉnh, của VICOFA, của Hiệp hội DN tỉnh. Hội cũng đóng góp ý kiến với dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ xung quy hoạch vùng trồng Cà phê tập trung tỉnh Sơn La đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Hội luôn tham gia và có ý kiến đại diện cho các hội viên tại các cuộc họp của tỉnh về vấn đề chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường. Trong báo cáo gủi các đơn vị chức năng, quản lý của tỉnh về thực trạng cà phê trong tỉnh, Hội cũng gửi một số kiến nghị của các hội viên đến các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các DN hội viên ổn định sản xuất, giảm bớt thua lỗ trong kinh doanh. Hội thông báo thường xuyên các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đến thành viên trong Hội. Hội tích cực tạo cầu nối, mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp, HTX, người nông dân với cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, tạo tiền đề cho cà phê Sơn La phát triển.

PV: Thưa ông, để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội cà phê tỉnh Sơn La có những kế hoạch gì?

Ông Vương Văn Hải: trong thời gian tới, chúng tôi định hướng cà phê Sơn La phải phát triển thành cà phê đặc sản, chất lượng cao. Chính vì vậy, cần tập trung chế biến sâu, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, cà phê lon… phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu để gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Chúng tôi cũng sẽ đề xuất Bộ NN & PTNT cùng UBND tỉnh Sơn La hỗ trợ thêm kinh phí cho chương trình tái canh cây cà phê. Thay dần giống cũ bằng bộ giống mới có chất lượng cao hơn... Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tích cực tham gia các dự án của Bộ, các dự án trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, áp dụng công nghệ và các mô hình kinh doanh bền vững. Thời gian tới, Hội cũng sẽ tăng cường liên kết doanh nghiệp và liên kết ngành, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến mọi người trong và ngoài nước.

Hội sẽ tăng cường công tác tổ chức đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê, bảo đảm cà phê Sơn La giữ vững chất lượng đặc thù, uy tín về chất lượng sản phẩm.

Hội cũng chia sẻ thông tin, các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, các dự án chương trình của Tỉnh, của Bộ ngành nhằm giúp hội viên có nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tích cực phát triển thương hiệu Cà phê Sơn La, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiếp thị, marketing và mở rộng thị trường, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa với nước ngoài nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên luôn gắn kết cùng nông dân và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển sản xuất bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ổn định an ninh, chính trị, xã hội khu vực. Hội đã kết nối cho các thành viên của hội tham gia các chương trình sản xuất cà phê sạch, cà phê hữu cơ, mua giống mới THA1 về gieo ươm phát triển, mở rộng diện tích trong tỉnh; Tham dự các dự án, chương trình phát triển cà phê sạch, cà phê bền vững của Bộ Nông nghiệp & PTNT về cà phê; Tăng cường chế biến sâu, chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang phục vụ người tiêu dùng; Không ngừng quảng bá sản phẩm cà phê Sơn La.

Hoạt động Hội còn tạo sự gắn bó liên kết giữa các doanh nghiệp trong hội với các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo sức mạnh tập thể, tạo sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo Báo Doanh nghiệp & Đầu tư - Link