Giải pháp thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt và xây dựng

Lượt xem:


(Theo baosonla.org.vn) Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới như hiện nay nhu cầu mở rộng các bãi chứa, bãi đổ thải là vấn đề rất cấp thiết, để hạn chế tình trạng đổ, xả chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng không đúng nơi quy định, ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện nay, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu đô thị của thành phố, thị trấn, khu đông dân cư được quan tâm thực hiện, tỉ lệ thu gom đạt trên 90%. Tuy nhiên, việc đổ thải các loại đất dư thừa, đất hữu cơ, chất thải rắn từ quá trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do không có bãi chứa, bãi thải, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn Thành phố đang triển khai nhiều công trình, dự án. Quá trình xây dựng các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến bãi đổ thải. Ông Phạm Minh Đô, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố chưa có điểm đổ thải được cấp phép, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn. Để vận chuyển, xử lý chất thải rắn từ các công trình, các đơn vị buộc phải liên hệ với các chủ đầu tư đã được bố trí điểm đổ thải trước đó đã được cấp thẩm quyền cho phép xin đổ thải, dẫn tới điểm đổ thải ở rất xa vị trí công trình thi công, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh xem xét quy hoạch các bãi chứa, bãi đổ thải và ban hành quy định về việc thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi về nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Nội dung quy hoạch địa điểm đổ thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước là một phần trong phương án bảo vệ môi trường của quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, trong nội dung quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã cập nhật địa điểm đổ thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước của 12/12 huyện, thành phố.

Theo đó, địa điểm đổ thải của 12 huyện, thành phố được quy hoạch gồm 35 điểm, trong đó, Thành phố 6 điểm, huyện Quỳnh Nhai 12 điểm, Thuận Châu 3 điểm, Vân Hồ 4 điểm, Sốp Cộp 2 điểm, Mường La 2 điểm, các huyện còn lại mỗi huyện 1 điểm. Do vậy, địa điểm đổ thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước phải thực hiện đảm bảo, phù hợp với quy định của quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan.

Đối với nội dung kiến nghị về quy định thu gom chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh, hiện nay, Sở TN&MT đang tham mưu trình UBND tỉnh ban hành văn bản cho phép xây dựng "Quyết định quy định chi tiết thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng".

Thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Nhà máy xử lý rác thải rắn Thành phố.

Toàn tỉnh đang có 16 bãi chôn lấp rác thải, 1 nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Chiềng Ngần. Hiện nay Nhà máy xử lý rác thải rắn, tại bản Pát, xã Chiềng Ngần của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La hoạt động đến 96% công suất; trung bình khối lượng rác thải rắn thu gom được xử lý 80 tấn/ngày.

Ông Ngọc Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết: Sau hơn 8 năm đi vào hoạt động trong môi trường nhiều hóa chất, độ ăn mòn cao, thời gian hoạt động lớn, dẫn đến các thiết bị của dây chuyền xử lý chất thải rắn xuống cấp, hỏng hóc liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý rác thải hằng ngày. Đảm bảo xử lý rác hiệu quả, đơn vị đề xuất phía cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường truyền thông để người dân phân loại rác thải rắn sinh hoạt hằng ngày; dành kinh phí cho việc phân loại rác từ nguồn và các chương trình nghiên cứu khoa học để xử lý rác.

Chia sẻ về nội dung này, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố nói: Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm, thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xác định vị trí, điểm đổ thải trên địa bàn thành phố; nhất là các điểm đổ chất thải trong quá trình xây dựng... đều được quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện.

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho người dân, cơ quan chức năng cần thông báo, niêm yết công khai tại các điểm dân cư, tổ dân phố quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung, trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Vận động cộng đồng dân cư thu gom rác thải sinh hoạt tập kết đúng nơi quy định, giữ gìn mỹ quan, không gian sống.

Người dân xã Hua La quét dọn, thu gom rác thải sinh hoạt.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mong rằng những khó khăn về điểm đổ thải và các quy định về công tác thu gom chất thải rắn sẽ sớm được giải quyết, góp phần hiện thực mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Minh Thu