Nỗ lực của các doanh nghiệp trong công tác thu ngân sách

Lượt xem:


Những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,59%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6%; đây cũng chính là năm đầu tiên tỉnh Sơn La tạo lập một mốc thu ngân sách mới với số thu đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, vượt 13% so với dự toán HĐND, UBND tỉnh giao, đưa số thu ngân sách về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Kết quả này đã phản ánh sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Vai trò của doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế bởi lẽ doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm xã hội; huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần quyết định vào phục hồi và tăng tưởng kinh tế; tăng thu ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Những năm gần đây, bên cạnh cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã đặc biệt quan tâm tới đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thương hiệu sản phẩm hàng hóa của nhiều doanh nghiệp đã được khẳng định về uy tín, chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đa dạng hóa loại hình kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 2.304 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đây chính là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đi đôi với sự nỗ lực trong SXKD, các doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành tốt các Luật thuế, thực hiện nộp thuế đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước. Nhờ vậy, số thu thuế, phí trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, đáp ứng nhiệm vụ chi tiêu thường xuyên của địa phương. Hàng năm, khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 50% nguồn thu ngân sách địa phương, tạo việc làm cho 57 ngàn lao động trên địa bàn.

Trong SXKD, tùy thuộc vào điều kiện, năng lực, sở trường của mình, các doanh nhân quyết định hướng đi riêng của mỗi doanh nghiệp: Một số doanh nhân nhận thấy lợi thế tại địa phương có địa thế đồi dốc, có nhiều sông, suối là điều kiện tốt cho việc xây dựng các thủy điện nên đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thủy điện,tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương. doanh thu và số thuế đã nộp từ các doanh nghiệp này không ngừng tăng. Điển hình là Công ty thủy điện Sơn La - Chi nhánh tập đoàn điện lực Việt Nam, số thuế đã nộp năm 2017  mới chỉ đạt con số 904 tỷ 796 triệu đồng, thì đến năm 2018 đã đạt con số 11 tỷ 985 triệu đồng; Công ty thủy điện Nậm Khốt, số thuế đã nộp năm 2017 là 9 tỷ 164 triệu, năm 2018 doanh nghiệp đã nộp 9 tỷ 286 triệu; Công ty cổ phần thủy điện Nậm Pia có số thuế đã nộp bằng 106% so với năm 2017… Bên cạnh định hướng kinh doanh của đa số các doanh nhân là chỉ hướng vào một số ngành nghề nhất định, một số doanh nhân lại có phương châm kinh doanh “Bỏ trứng nhiều giỏ” để phân tán rủi ro và đảm bảo an toàn vốn, điển hình là DNTN Thanh Tùng, thành phố Sơn La, bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV dịch vụ & thương mại tổng hợp Thanh Sơn, là đơn vị kinh doanh tổng hợp một số mặt hàng như: Đại lý bán lẻ xăng dầu, dịch vụ vận tải hàng hóa, các mặt hàng nông sản và phân bón tại huyện Mai Sơn. Mặc dù trong kinh doanh, Công ty cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của thị trưởng nhưng với phương châm “phát huy nội lực”, công ty đã không ngừng nâng cao uy tín với khách hàng, mở rộng thị trưởng, mặt hàng, đầu tư mới trang thiết bị…qua đó doanh thu và mức đóng góp cho NSNN ngày càng tăng: Từ 130 triệu đồng năm 2017 lên  318 triệu đồng năm 2018, tăng 145%. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch theo hướng tiếp cận phát triển mới, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của địa phương để kinh doanh. Mô hình hợp tác xã tiêu biểu sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP  ngày càng phát triển, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Xác định Sơn La là địa phương có thế mạnh trồng các loại cây ngắn ngày như: ngô và sắn, cà phê, cây chè, cây chuối, cây mận hậu, soài, nhãn, chanh leo...từ thế mạnh này, nhiều doanh nhân đã hướng tới việc phát triển công nghiệp chế biến qua việc xây dựng các nhà máy chế biến hoa quả và dịch vụ xuất khẩu. Điển hình là Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, là đơn vị chế biến tinh bột sắn và bã sắn khô trên địa bàn huyện Mai Sơn, Công ty không chỉ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho 200 lao động, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân mà còn là đơn vị luôn mở rộng và phát triển SXKD với tốc độ tăng trưởng vượt bậc: Năm 2017 doanh thu đạt 5719 triệu, năm 2018 doanh thu đạt 222 512 triệu, tăng 3891%; số thuế đã nộp năm 2017 là 48 triệu, năm 2018 đã nộp 3905 triệu đồng, tăng 8135%. Để đáp ứng việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và nhu cầu kiến thiết, xây dựng các công trình dân dụng, nhiều năm qua, số lượng và mức đóng góp cho NSNN từ các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực XDCB chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ tăng trưởng về doanh thu và số thuế năm sau luôn cao hơn năm trước. Điển hình là Công ty TNHH Gia Phát Phù Yên là đơn vị kinh doanh ngành nghề xây dựng, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng công ty đã luôn quan tâm đến việc đổi mới công tác quản lý và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm, tiến độ thi công, tạo việc làm và thực hiện tốt chế độ cho 50 lao động do đó số thuế đã nộp năm 2018 tăng 206% so với thực hiện năm 2017. Đây cùng là đơn vị góp phần xây dựng nông thôn mới và làm tốt công tác xã hội, từ thiện…

Song hành cùng các doanh nghiệp, dân doanh trên thương trường còn có các hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù số thu từ các hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh là các chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho chính bản thân các chủ hộ kinh doanh và gia đình. Toàn tỉnh hiện có khoảng 8000 hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế GTGT và TNCN, đại đa số các hộ kinh doanh đã nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để có hướng kinh doanh phù hợp, kinh doanh hiệu quả, doanh thu năm sau cao hơn năm trước và thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN. Nổi bật năm 2018 có 1 số hộ kinh doanh đã đóng góp số thuế lớn đó là: Bà Lò Thị Ngân, hộ kinh doanh huyện Sốp Cộp nộp 107 triệu đồng; ông Đỗ Đình Hồng, hộ kinh doanh huyện Vân Hồ nộp 228 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, hộ kinh doanh huyện Yên Châu đã nộp 127 triệu; Ông Dương Ngọc Anh, hộ kinh doanh huyện Sốp Cộp nộp 119 triệu. Ông Điêu Chính Phước, hộ kinh doanh tại thành phố Sơn La đã đóng góp 157 triệu đồng…Qua đó góp phần đưa số thu từ khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 16% so với thực hiện năm 2017.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN, cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân còn xác định: Việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 là chìa khóa để Hội nhập và phát triển, đây cũng chính là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới, sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm chi phí trong sản xuất - lưu thông, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2012, các doanh nghiệp đã tthực hiện tốt việc giao dịch với cơ quan thuế theo phương thức điện tử, điển hình là việc khai thuế qua mạng, nộp và hoàn thuế điện tử. ứng dụng này hiện đã được cơ quan thuế nâng cấp thành dịch vụ thuế điện tử eTax. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cũng đã thực hiện tốt việc nộp thuế qua tài khoản thay vì nộp thuế theo phương pháp thủ công như trước đây. Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận với ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp như: Đại lý Honda ô-tô Hà Hường, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La hiện ứng dụng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực từ bán hàng, dịch vụ phụ tùng cho tới chăm sóc khách hàng. Đơn vị đã sử dụng phần mềm SCA -  Phần mềm hỗ trợ tư vấn bán hàng trên Ipad. Tư vấn bán hàng sử dụng phần mềm tương tác để giới thiệu, tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Bắt nhịp với xu thế phát triển công nghệ, Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống, phường Chiềng Cơi, Thành phố Sơn La đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bệnh nhân. Bệnh viện đang ứng dụng cổng thông tin với 3 hệ thống, gồm: Phần mềm His quản lý bệnh viện; phần mềm lis - kết nối toàn bộ hệ thống labo xét nghiệm và ứng dụng công nghệ PACS, truyền tải dữ liệu dùng để chẩn đoán hình ảnh từ xa…

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, ổn định cho lực lượng lao động tại địa phương; thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như: Đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ghi nhận nỗ lực của cộng đồng các tổ chức, cá nhân trong SXKD và thực chấp hành pháp luật thuế. Năm 2018, toàn tỉnh đã có 101 tập thể, cá nhân được  UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh tôn vinh về thành tích công tác thuế. Đây cũng chính là một dấu ấn minh chứng về thành quả của cả một quá trình dài trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; một dấu mốc quan trọng thể hiện sự nỗ lực; sự đồng thuận của người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh và công tác thu - nộp ngân sách tại địa phương. Góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà./.

                                                                                                                                                     

                                                                                             Thu Mây