QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ, HÓA ĐƠN

Lượt xem:


Ngày 19/10/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP không áp dụng đối với hành vi phạm hành chính về phí, lệ phí; vi phạm hành chính về Thuế đối với với hàng hóa xuất nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý thu và vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm về thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký Hợp tác xã, đăng ký kinh doanh.

02 nhóm đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

1. Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

-  Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

2. Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Riêng đối với người nộp thuế là tổ chức, các loại hình tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn.

- Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập.

- Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

- Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

 - Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

 - Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm. Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt và thời hạn truy thu thuế

Về thời hạn được coi là chưa bị xử phạt: Căn cứ khoản 5 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

Ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo là ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao, gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Về thời hạn truy thu thuế: Khi quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Thời hạn truy thu thuế nêu trên chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế:

Đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn: Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế: Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 10.000.000đ, trong đó quy định phạt tiền từ 6.000.000đ đến 10.000.000đ đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế: Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế: Phạt tiền từ 500.000đ đến 7.000.000đ.

Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định (Điều 13):

Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp nộp hồ sơ khai thuế: Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 25.000.000đ.

Thay đổi quy định về khung thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế: Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chia thành 4 mức chậm nộp: “từ 01 đến 30 ngày”; “từ 31 ngày đến 60 ngày”; “từ 61 ngày đến 90 ngày”; “trên 90 ngày”.

Tăng mức phạt tiền đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày nhưng không phát sinh số phải nộp và hành vi không nộp hồ sơ khai thuế: Phạt tiền từ 8.000.000đ đến 15.000.000đ.

Bổ sung chế tài xử phạt hành vi “không nộp các phụ lục theo quy định quy định về quản lý đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Quy định mới về chế tài xử phạt đối với “hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế hoặc trước thười điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế” với mức phạt tiền cao nhất từ 15.000.000đ đến 25.000.000đ. trường hợp số tiền phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với hành vi này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại Khoản 4, Điều 13 (từ 8.000.000đ đến 15.000.000đ).

Bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả (Khoản 6, Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP):

Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm chậm nộp hồ sơ khai thuế trong từng trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.

Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại Điểm c, d, Khoản 4, Điều 13.

Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan:

Điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ đối với hành vi “thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận, không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ…”; Phạt tiền từ 6.000.000đ đến 16.000.000đ đối với tổ chức; từ 3.000.000đ đến 8.000.000đ đối với cá nhân.

Bổ sung chế tài đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của NNT theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày trở lên.

Bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 19.

Hành vi trốn thuế:

Bỏ cụm từ “gian lận thuế”; Sửa đổi quy định về mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế; Áp dụng chung mức phạt tiền cho cả cá nhân và tổ chức.

Sửa đổi quy định về áp dụng số lần thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Phạt 1 lần thuế trốn: Thực hiện hành vi trốn thuế và có 1 tình tiết giảm nhẹ.

Phạt 1,5 lần thuế trốn: Thực hiện hành vi trốn thuế và không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Phạt 2 lần thuế trốn: Thực hiện hành vi trốn thuế và có một tình tiết tăng nặng.

Phạt 2,5 lần thuế trốn: Thực hiện hành vi trốn thuế và có hai tình tiết tăng nặng.

Phạt 3 lần thuế trốn: Thực hiện hành vi trốn thuế và có ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Xử phạt hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn:

Đối với hành vi cho bán hóa đơn được quy định tại Điều 22, Nghị định 125/2020/NĐ-CP;  Đồng thời bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm cho, bán hóa đơn.

Hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn được quy định tại Điều 23 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Điều chỉnh lại mức tiền phạt đối với hành vi “nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn…”, “Nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp”.         

Hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ:

Tách nhóm hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn ra khỏi nhóm hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn và chuyển quy định riêng về nhóm hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn.

- Điều chỉnh giảm hình thức xử phạt tiền sang phạt cảnh cáo đối với hành vi:

Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.

Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn) và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển có số thứ tự nhỏ hơn.

Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

- Bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi:

Không lập đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trừ các trường hợp hóa đơn không nhất thiết phải lập đầy đủ các nội dung theo hướng đẫn của Bộ Tài chính;

Không lập bảng kê về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ;

Lập hóa đơn không giao cho người mua, trừ trường hợp trên hóa đơn ghi rõ người mua không lấy hóa đơn hoặc hóa đơn được lập theo bảng kê.

- Điều chỉnh giảm khung phạt tiền đối với hành vi “không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng cung ứng dịch vụ”: Phạt tiền từ 500.000đ đến 1.500.000đ.

- Bổ sung chế tài xử phạt hành vi:

Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế.

Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh.

Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

- Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm d, Khoản 4, Khoản 5, Điều 24 khi người mua có yêu cầu.

Hành vi vi phạm quy định về khai báo mất, cháy hỏng hóa đơn (Điều 25):

Bổ sung quy định về hành vi vi phạm thời hạn khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với hành vi không khai báo việc làm mất hóa đơn trong khi in, trước khi giao cho khách hàng: Phạt tiền từ 4.000.000đ đến 8.000.000đ.

Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn (Điều 28):

Bổ sung quy định rõ về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn (Điều 4)

Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn (Điều 29):

Bổ sung quy định xử phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thười hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ.

Tăng mức tiền phạt đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi về cơ quan thuế: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000đ

Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01ngày đến 10 ngày.

Tăng mức phạt tiền đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định; hành vi không nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế theo quy định; Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 15.000.000đ.

                                                       

                                                        Phương Mai - TTHT