Xây dựng thương hiệu nông sản Sơn La: Hướng đi đúng

Lượt xem:


Dù có tiềm năng tương đối lớn về nông sản, đặc biệt là nông sản an toàn, nhưng tỉnh Sơn La vẫn thiếu một thương hiệu nông sản mạnh, đủ sức cạnh tranh. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho nông sản là giải pháp địa phương này đang nỗ lực triển khai.

Nhiều sản phẩm có thế mạnh

Huyện Sông Mã hiện có trên 4.268ha nhãn đang thu hoạch, năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, phân bổ ở 19 xã, thị trấn, nhưng tập trung nhiều ở các xã dọc sông Mã như: Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Mường Lầm, Huổi Một. Để giúp người dân từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống, thời vụ thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Sông Mã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo bằng giống nhãn PHM 99-11 và nhãn Hương Chi (nhãn chín muộn) tại bản Mé (xã Nà Nghịu) và bản Hải Sơn (xã Chiềng Khoong). Từ mô hình 1ha nhãn đã được nhân rộng trên địa bàn, đến nay, toàn huyện có khoảng 500ha nhãn ghép tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ; đã cho thu hoạch khoảng 300ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, với giá bán bình quân từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Theo đánh giá, nhãn ở Sông Mã chín sớm hơn, quả to, đẹp, sáng và thơm ngọt hơn các địa phương khác. Khoảng 60% sản lượng được các thương lái thu mua mang đi tiêu thụ ở thị trường các tỉnh lân cận, còn lại người dân Sông Mã tự xây dựng các lò sấy thủ công để chế biến những quả nhãn loại nhỏ thành long nhãn. Sản phẩm long nhãn Sông Mã được thương lái Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn lên thu mua. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc tiêu thụ nhãn là vẫn còn phụ thuộc vào thị trường; quả nhãn Sơn La chưa có thương hiệu nên giá bán còn bấp bênh.

Không chỉ có riêng trái nhãn, Sơn La còn khá nhiều sản phẩm có thế mạnh. Các đặc sản gắn với địa danh của Sơn La như cà phê, chè... đã được người tiêu dùng chấp nhận từ rất lâu. Tuy nhiên, việc khai thác và bảo vệ giá trị của những địa danh đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm. Nguyên nhân là do đại đa số các sản phẩm chưa được đăng ký thương hiệu. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, chưa khai thác đầy đủ lợi ích kinh tế, thậm chí uy tín của nhãn hiệu có thể bị mai một, lu mờ do sự thiếu trung thực của một số nhà sản xuất lợi dụng tên địa danh để làm giả, nhái sản phẩm, tìm cách trục lợi. Hiện, các sản phẩm của tỉnh được xây dựng thương hiệu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nông sản

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, tỉnh có gần 30 sản phẩm nhiều tiềm năng xây dựng thương hiệu. Một số sản phẩm cần phải xây dựng thương hiệu ngay như: Cà phê, nhãn, gạo nếp tan, mận hậu, rau, hoa chất lượng cao, cá tầm... Thông qua việc bảo hộ cho nông sản đặc sản của địa phương, không những bảo vệ được uy tín đối với sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá nâng cao uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.

Hoa quả là một trong những thế mạnh của nông sản đặc sản tỉnh Sơn La

Tuy vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Sơn La còn khó khăn khi hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay chưa hiệu quả. Kinh phí tuyên truyền, vận động, tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Một số tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đặc sản có tiềm năng xây dựng thương hiệu chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu trên thị trường...

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, để xây dựng thương hiệu cho nông sản, năm 2017, tỉnh đã bố trí 11 tỷ đồng vốn sự nghiệp khoa học hỗ trợ xây dựng và công bố thương hiệu 2 sản phẩm là nhãn Sông Mã và cà phê Sơn La. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho 8 sản phẩm là: Na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, cá tầm Sơn La, táo Sơn Tra, nếp Mường Và, chè Shan Thuận Châu, cá lòng hồ sông Đà, khoai sọ Thuận Châu.

Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La - chia sẻ, để xây dựng thương hiệu, điều đầu tiên là nông sản phải có chất lượng. Do đó, những năm gần đây, nhiều gia đình, tổ hợp tác trên địa bàn đã chuyển hướng trồng nông sản theo hướng bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả cao. Ngay từ đầu năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã làm việc với một số đơn vị nghiên cứu khoa học hoàn thiện mối liên kết "bốn nhà", rà soát quy hoạch phát triển từng loại cây ăn quả; ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi đại gia súc để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Các doanh nghiệp tích cực liên kết, giúp đỡ các hợp tác xã, hộ gia đình hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu từ thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu. Tỉnh cũng đẩy mạnh mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp; liên kết để đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết "bốn nhà", nhất là vai trò của nhà nước và nhà khoa học trong nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng. Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn TH, Công ty TNHH Agricare Việt Nam… đã và đang đầu tư vào một số dự án phát triển nông sản sạch trên địa bàn Sơn La. Với những nỗ lực này, có thể kỳ vọng thương hiệu cho nông sản Sơn La sẽ sớm được xây dựng thành công. 

Đến nay, một số nông sản Sơn La đã bước đầu xác lập được thương hiệu khi xoài Yên Châu, rau an toàn và chè Shan tuyết được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; mật ong Sơn La và chè Tà Xùa được cấp nhãn hiệu tập thể…