Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân
Lượt xem:
Thực hiện Công văn số 728/VPCP-DMDN ngày 08/02/2023 của Văn phòng Chính phủ và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng, cạnh tranh mạnh mẽ với các thành phần kinh tế khác. Ngày 23/3/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký Công văn số 932/UBND-KT và giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò và những đóng góp của kinh tế tư nhân; Khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, là phương tiện, cách thức để phát triển kinh tế - xã hội và con người; Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến về tư duy, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng định hướng.
Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ để kinh tế tư nhân phát triển: Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản chồng chéo, không phù hợp; đề xuất, ban hành quy định mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội.
Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp; tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2023.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường, thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp (các sở, ban, ngành, huyện, thành phố chủ động tổ chức đối thoại tối thiểu 01 lần/quý; Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại tối thiểu 6 tháng/lần, trường hợp cần thiết, tổ chức đối thoại trực tiếp giải quyết theo ngành, lĩnh vực, công việc cụ thể theo tháng, hoặc theo vụ việc có tính cấp thiết).
Rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị đảm bảo không trùng lắp về nội dung; Mỗi doanh nghiệp không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần trong năm, giảm số giờ làm việc của mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian tập trung sản xuất kinh doanh; Công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho tổ chức, cá nhân biết. Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chủ thể kinh tế tư nhân cần chủ động và nhận thức đầy đủ sự lớn mạnh của doanh nghiệp do chính doanh nghiệp xác lập; chú trọng nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; kinh tế tư nhân phải đạt được năng suất lao động cao, vượt trội tạo sức mạnh cho bản thân khu vực, đóng góp cho nền kinh tế, có sức cạnh tranh để tham gia sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; cải thiện và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; quan tâm đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế tư nhân trong môi trường cạnh tranh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát huy đạo đức doanh nhân.