Khôi phục xuất, nhập khẩu hàng hóa

Lượt xem:


Sau thời gian ngưng trệ vì dịch Covid-19, từ đầu năm 2023, các cặp cửa khẩu biên giới phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc đã được khôi phục hoạt động. Điều này giúp kim ngạch xuất, nhập khẩu trao đổi giữa hai nước tăng dần tại các địa phương có cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…

Xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ riêng quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Trung Quốc qua biên giới phía bắc đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm 2022…

Nhộn nhịp vùng biên

Ghi nhận tại bãi xe hàng trung chuyển xuất, nhập khẩu của Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên (Lạng Sơn), hàng trăm xe chở xoài và các mặt hàng nông sản đang chuẩn bị chờ xuất sang Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu xoài qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chia sẻ: Doanh nghiệp thường xuyên thực hiện xuất khẩu xoài qua cửa khẩu Tân Thanh, các lô hàng của doanh nghiệp đều được lực lượng chức năng tại cửa khẩu làm thủ tục nhanh chóng và điều quan trọng là sau khi cung cấp thông tin về lô hàng cho cơ quan hải quan, doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ sau vài phút là lô hàng đã hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để thông quan...

Với đặc thù hoạt động xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông sản tươi như dưa hấu, thanh long, vải thiều, chuối, xoài, mít… của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh chiếm đến 90% tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu. Do đó, hằng năm vào mùa vụ, lượng hàng hóa tập kết đến cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục xuất khẩu tương đối lớn. Hàng hóa luôn nhộn nhịp kể từ khi phía Trung Quốc mở biên đầu ngày cho đến khi đóng cửa, hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra liên tục, khẩn trương, bất kể ngày đêm, mưa hay nắng.

Theo Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh, Phùng Văn Ba, để tạo thuận lợi cho thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan tại cửa khẩu linh hoạt, áp dụng giải pháp hợp lý để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu các loại hoa quả.

Trong đó, luôn ưu tiên làm thủ tục trước cho các lô hàng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu nhanh chóng thuận lợi. Tính đến thời điểm này, hiệu suất thông quan trung bình đạt 280 lượt xe/ngày, trong đó xuất khẩu khoảng 220 lượt xe/ngày, nhập khẩu trung bình 60 lượt xe/ngày.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, từ ngày 20/2/2023 đã khôi phục lại hoạt động xuất, nhập cảnh và phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống như trước khi có dịch Covid-19. Ở một số thời điểm làm việc đến 20 giờ (giờ Hà Nội) để tập trung giải quyết các xe không hàng của hai bên quay trở về, không để xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ tại khu vực cửa khẩu.

Để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã thống nhất bố trí công chức, viên chức và người lao động làm việc cả buổi trưa tất cả các ngày trong tuần kể từ ngày 6/4/2023 để giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu. Hiện tại hiệu suất thông quan trung bình đạt 650 lượt xe/ngày, trong đó xuất khẩu khoảng 250 lượt xe/ngày, nhập khẩu trung bình 400 lượt xe/ngày.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn thường xuyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trao đổi, hội đàm với cơ quan tương ứng phía Quảng Tây, Trung Quốc để đề nghị thống nhất triển khai các nội dung thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sớm khôi phục phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống tại các cửa khẩu như thời điểm trước khi phát sinh dịch và khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ còn lại trên địa bàn tỉnh.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 5/12 cửa khẩu hoạt động thông quan hàng hóa. Hiệu suất thông quan đã cơ bản khôi phục như thời điểm trước khi phát sinh dịch Covid-19, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan trung bình đạt hơn 1.000 lượt xe/ngày, cao điểm lên tới hơn 1.100 lượt xe/ngày.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Lê Văn Thắng cho biết: Để tránh tình trạng ùn ứ phương tiện tại các cửa khẩu cũng như nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, ban quản lý đã tăng cường hội đàm, trao đổi với các cơ quan tương ứng phía Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; thống nhất cử đầu mối để thành lập Tổ trao đổi thông tin để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu của hai bên.

Theo thống kê sơ bộ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có mở tờ khai tại tỉnh Lạng Sơn trong bốn tháng đầu năm 2023 đạt 1.345 triệu USD, tăng 120,5% so với cùng kỳ (xuất khẩu 640 triệu USD, tăng 357,1%; nhập khẩu 705 triệu USD, tăng 50%).

Duy trì các mặt hàng thế mạnh

Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), nhiều chuyến xe nông sản tiếp tục nối đuôi làm thủ tục hải quan để chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan tỉnh Lào Cai) cho biết: Những ngày này, chín mặt hàng nông sản chủ lực như thanh long, chuối, chôm chôm, dưa hấu, sầu riêng... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào diện hàng hóa “luồng xanh”, qua đó giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan và thông quan qua cửa khẩu tính đến ngày 30/4 đã đạt hơn 85 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 58,2% kim ngạch hàng xuất khẩu. Để chuẩn bị đón mùa vải vào vụ, Hải quan sẽ chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để mặt hàng vải được thông quan nhanh, thuận lợi nhất.

Tuy vậy, theo đánh giá chung thì hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu tại Lào Cai giảm so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân được lý giải là do nhu cầu một số mặt hàng trên thế giới giảm; hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh đi qua cửa khẩu Lào Cai giảm, do các cửa khẩu phụ, lối mở dừng hoạt động ...; hạ tầng khu cửa khẩu Kim Thành còn hạn chế, thiếu kho ngoại quan, bãi chờ xuất khẩu chật hẹp, đang thi công; thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian đi lại của doanh nghiệp; do chưa xong trung tâm hành chính công cửa khẩu. Đặc biệt, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai nhiều đoạn bị xuống cấp, dẫn đến thời gian các phương tiện vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu Kim Thành chậm, không thuận lợi...

Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lào Cai Dương Xuân Sinh giải thích cụ thể hơn: Từ đầu năm dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, tuy nhiên lượng hàng hóa thông quan vẫn rất hạn chế; hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở tạm dừng. Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của ta bị kiểm tra thực tế cao hơn, làm chậm khả năng thông quan, kéo theo đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy cách và xuất xứ của từng lô hàng... Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4, lĩnh vực xuất, nhập cảnh lũy kế đạt 332.518 lượt người, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phương tiện xuất, nhập cảnh lũy kế đạt 37.513 lượt phương tiện, tăng 22%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bốn tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu rau quả tháng 4 tăng đột biến gần hai lần. Hiện, Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 576,4 triệu USD.

Mặc dù kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua hai địa bàn Lạng Sơn và Lào Cai có thể đạt cao, thấp khác nhau tùy theo các cặp cửa khẩu cũng như cơ chế, chính sách của các cặp cửa khẩu, song nhìn chung các hoạt động giao thương và điều hành quản lý hai bên đều có những khởi sắc và đang có xu hướng tăng lên khi đang vào vụ thu hoạch hoa quả ở các tỉnh phía nam và mùa vải vào chính vụ ở phía bắc...

Theo Báo Nhân dân