Hướng dẫn Thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp

Lượt xem:


Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Hiệp hội về đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Để giúp các hội viên Hiệp hội nắm rõ các quy định, trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ban hành hướng dẫn các Chi hội Doanh nghiệp huyện, thành phố và tổ chức thành viên, hội viên Hiệp hội một số nội dung cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn các bước thành lập Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:

          I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

          1. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp

          - Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

          - Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

          - Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

          - Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng thang bảng lương, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.

          - Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, tham gia xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị.

          - Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.

          2. Công đoàn cơ sở hợp tác xã

          - Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nghị quyết đại hội thành viên và điều lệ hợp tác xã.

          - Đại diện người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động (không phải là thành viên) giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Giám sát hội đồng quản trị thực hiện chế độ, chính sách, phân phối thu nhập, lợi nhuận đối với thành viên.

          - Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia với hội đồng quản trị, lãnh đạo đơn vị để có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi của thành viên và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở về tổ chức và lãnh đạo đình công; quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong hợp tác xã; vận động thành viên và người lao động tham gia các hoạt động, văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn.

          - Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

          - Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.

          II.  ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, HÌNH THỨC TỔ CHỨC

          1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở

          Công đoàn cơ sở được thành lập trong các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được 2 điều kiện sau:

          - Đơn vị sử dụng lao động có tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

          - Có ít nhất 05 đoàn viên hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn Việt Nam.

          2. Thời gian thành lập Công đoàn cơ sở

          - Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

          - Sau thời gian quy định, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

          3. Hình thức tổ chức công đoàn cơ sở

          - Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị lao động; số lượng đoàn viên của công đoàn cơ sở có thể tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.

          - Việc thành lập công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn tổ chức các hoạt động.

          III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP

            Bước 1: Đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.

          1. Khi người sử dụng lao động và người lao động thống nhất về việc thành lập Công đoàn cơ sở; các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng văn bản gửi Công đoàn cấp trên trực tiếp đề nghị hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thành lập, gồm:

          - Công văn đề nghị thành lập công đoàn cơ sở do người đại diện tập thể lao động ký và có ký xác nhận của chủ doanh nghiệp (theo mẫu số 01)

          - Danh sách trích ngang người lao động xin gia nhập tổ chức Công đoàn cơ sở (theo mẫu số 02)

          2. Công đoàn cấp trên trực tiếp

          Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:

          - Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);

          - Công đoàn ngành địa phương;

          - Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);

          - Công đoàn Tổng công ty;

          - Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.

          Căn cứ đặc thù về địa bàn hoạt động, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn Công đoàn cấp trên trực tiếp; đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở.

          Bước 2: Công đoàn cấp trên tổ chức tuyên truyền Điều lệ Công đoàn Việt Nam, vận động thành lập Công đoàn cơ sở:

          Công đoàn cấp trên làm việc với người sử dụng lao động để thống nhất về việc thành lập Công đoàn cơ sở tại đơn vị và các nội dung, kết nạp đoàn viên, chọn phương án nhân sự Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở. Đối với những đơn vị có số người lao động đã là đoàn viên công đoàn từ các nơi khác chuyển sang, có đủ 5 đoàn viên thì tiến hành thành lập ngay Công đoàn cơ sở và chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở.

          *Quá trình vận động thành lập Công đoàn cơ sở cần lưu ý: Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở ít nhất phải có từ 3 đến 5 người, đang làm việc tại doanh nghiệp, phải là những đoàn viên nhiệt tình, hiểu biết về công đoàn, có khả năng vận động người lao động gia nhập vào Công đoàn (có thể đề cử những phụ trách tổ chức, kế toán tham gia vào Ban chấp hành lâm thời để phối hợp với Ban Giám đốc giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người lao động), cụ thể.

          - Nếu Ban Chấp hành lâm thời có 3 người gồm: 1 người chủ tịch, 2 người là ủy viên (trong đó chọn 1 người phụ trách kiểm tra).

          - Ban Chấp hành lâm thời có 5 người gồm: 1 người giữ chức vụ Chủ tịch, 1 người giữ chức vụ Phó Chủ tịch, 3 người còn lại là ủy viên.

          - Đối với những đơn vị có từ 30 người lao động làm đơn gia nhập vào Công đoàn thì ngoài nhân sự của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở thì đề cử thêm 3 người tham gia vào Ủy ban Kiểm tra lâm thời (gồm 1 người ủy viên trong Ban Chấp hành lâm thời giữ chức vụ Chủ nhiệm và 2 người là ủy viên).

          - Đối với Công đoàn cơ sở có dưới 30 đoàn viên thì đề cử 1 người trong Ban Chấp hành lâm thời kiêm nhiệm phụ trách công tác kiểm tra.

          - Đối với Công đoàn cơ sở có từ 10 đoàn viên trở xuống không bầu Ban Chấp hành mà chỉ bầu 01 đồng chí là Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

          Bước 3: Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các thủ tục xin thành lập Công đoàn cơ sở bao gồm:

          1. Văn bản đề nghị thành lập Công đoàn cơ sở do người đại diện tập thể lao động ký và có ký xác nhận của chủ doanh nghiệp (theo mẫu 03)

          2. Đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn của từng đoàn viên, hoặc đơn của tập thể người lao động do một người đại diện làm ký tên và có danh sách số người lao động ký tên (theo mẫu 04, mẫu 05)

          3. Doanh nghiệp, hợp tác xã lập danh sách trích ngang người lao động, đoàn viên (theo mẫu 02)

          - Người lao động có đơn gia nhập Công đoàn đề nghị kết nạp đoàn viên

          - Đoàn viên Công đoàn cũ từ các nơi khác chuyển đến (nếu có)

          Danh sách người lao động có thể làm chung 1 danh sách: nếu người nào có đơn gia nhập thì đánh chéo vào ô đơn gia nhập, người nào là đoàn viên từ nơi khác chuyển đến thì ghi số thẻ đoàn viên

          4. Danh sách trích ngang các Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở.

          5. Danh sách trích ngang Ủy ban kiểm tra lâm thời (nếu có trên 30 đoàn viên).

          6. Bản sao giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc Giấy phép Đầu tư đối với những đơn vị có vốn nước ngoài.

          Hồ sơ hoàn thiện gửi về Công đoàn cấp trên để xem xét

          Bước 4: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị thành lập Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp; Công đoàn cấp trên ra quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở.

          Bước 5: Tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên và công bố Quyết định thành lập Công đoàn cơ sở: Sau khi cấp trên đã ra quyết định thành lập, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở thông báo với lãnh đạo doanh nghiệp và phối hợp với Lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên và công bố quyết định thành lập Công đoàn cơ sở trong thời gian sớm nhất.

          Bước 6: Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động:

          Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở kiện toàn tổ chức (phân công từng ủy viên phụ trách các mặt công tác, thành lập các tổ Công đoàn, ban quần chúng và các chức danh…); xây dựng các quy chế hoạt động (của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra), Quy chế phối hợp với chuyên môn, tổ chức các hoạt động Công đoàn cơ sở phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

          Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở tiếp tục tuyên truyền về Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho toàn thể người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp; vận động người lao động gia nhập Công đoàn. Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cơ sở sẽ xem xét, ra quyết định kết nạp đoàn viên, cấp thẻ và báo cáo kết quả về Công đoàn cấp trên.

          Công đoàn cấp trên chỉ đạo hướng dẫn chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ thứ nhất trong thời gian không quá 12 tháng.

          III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Các Tổ chức thành viên, Chi hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố

          - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Công đoàn và hướng dẫn này đến này đến toàn thể các doanh nghiệp, hợp tác xã hội viên. Vận động hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Thoả ước lao động tập thể và các chế độ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp

          - Phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp hội viên thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Phối hợp rà soát và đề nghị các cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân, người lao động tiên tiến; doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh và công tác công đoàn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến; mô hình hoạt động công đoàn hiệu quả, sáng tạo.

           - Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền vận động người lao động chưa là đoàn viên tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn, nâng cao tỷ lệ đoàn viên viên trên tổng số công nhân lao động trong doanh nghiệp; củng cố, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể: công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh trong doanh nghiệp.

            - Phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp cử cán bộ quản lý, cán bộ Công đoàn trong doanh nghiệp tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ công tác Công đoàn, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, sản xuất kinh doanh...

          - Theo dõi, nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động, việc làm của doanh nghiệp. Bổ sung nội dung về phát triển Đoàn viên, Công đoàn cơ sở trong Báo cáo sơ kết 06 tháng và cuối năm gửi về Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (qua Văn phòng Hiệp hội để tổng hợp)

          2. Giao Văn phòng Hiệp hội:

          - Giúp Ban Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh; theo dõi, hướng dẫn các Chi hội Doanh nghiệp huyện, thành phố; tổ chức thành viên triển khai hiệu quả Hướng dẫn này. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp hội viên Hiệp hội.

          - Tham mưu, đề xuất với Hội đồng Thi đua khen thưởng Hiệp hội trong công tác tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp hội viên thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; công tác an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn.

          Trên đây là một số nội dung cơ bản về hướng dẫn thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Ban Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trân trọng đề nghị các Chi hội, tổ chức thành viên, Hội viên Hiệp hội và các đơn vị, tổ chức liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện./.

 

DANH SÁCH LIÊN HỆ

Liên đoàn Lao động các huyện/Thành phố; Công đoàn ngành

STT

Liên đoàn Lao động huyện/thành phố
Công đoàn ngành

Người liên hệ

Chức vụ

Điện thoại cố định

Điện thoại
di động

1

Liên đoàn Lao động Thành phố

Trịnh Thị Thu Thủy

Chủ tịch

3.852.658

0988.653.696

Lường Thị Ánh Nhàn

Phó Chủ tịch

 

0946.010.881

2

Liên đoàn Lao động huyện Phù Yên

Lê Hồng Cương

Chủ tịch

3.863.455

0988.760.225

Hoàng Hồng Hải

Phó Chủ tịch

3.863.306

0976.386.308

3

Liên đoàn Lao động huyện Bắc Yên

Nguyễn Đăng Thức

Chủ tịch

3.860.228

0982.747.737

Hồ Thị Thanh

Phó Chủ tịch

 

0978.163.433

4

Liên đoàn Lao động huyện Mộc Châu

Trần Chinh Chiến

Chủ tịch

3.866.029

0982.316.367

Nguyễn Thị Bích Liên

Phó Chủ tịch

 

0374.899.979

5

Liên đoàn Lao động huyện Vân Hồ

Trần Đức Khoa

Chủ tịch

8.586.586

0915.400.552

Đinh Công Thông

Phó Chủ tịch

3.666.388

0979.000.559

6

Liên đoàn Lao động huyện Yên Châu

Lò Chung Thủy

Chủ tịch

3.840.177

0915.028.769

Nguyễn Văn Thái

Phó Chủ tịch

3.840.166

0357.169.245

Đỗ Tiến Hiệt

Phó Chủ tịch

 

0385.129.444

7

Liên đoàn Lao động huyện Mai Sơn

Vũ Hữu Hưởng

Chủ tịch

3.843.806

0912.893.423

Đinh Thị Khánh Thành

Phó Chủ tịch

 

0915.771.636

Nguyễn Quang Ngọc

Phó Chủ tịch

 

0915.097.916

8

Liên đoàn Lao động huyện Thuận Châu

Đặng Xuân Tư

Chủ tịch

3.847.006

0912.587.386

Đỗ Thị Tính

Phó Chủ tịch

 

0398.411.570

Nhữ Quang Hưng

Phó Chủ tịch

 

0978.747.599

9

Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Nhai

Tòng Văn Thơi

Chủ tịch

3.834.139

0978.315.745

10

Liên đoàn Lao động huyện Mường La

Nguyễn Văn Tuấn

Chủ tịch

3.830.075

0917.785.388

Lương Thế Anh

Phó Chủ tịch

 

0385.726.999

11

Liên đoàn Lao động huyện Sông Mã

Nguyễn Chí Phúc

Chủ tịch

3.836.196

0913.584.333

Phạm Thị Hương

Phó Chủ tịch

 

0917.421.932

12

Liên đoàn Lao động huyện Sốp Cộp

Vũ Văn Thuật

Chủ tịch

3.878.078

0816.189.799

Phan Thanh Lăng

Phó Chủ tịch

 

0355.499.789

13

Công đoàn ngành Nông nghiệp - PTNT

Bùi Thế Anh

Chủ tịch

3.853.853

0976.457.974

Nguyễn Thị Xoan

Phó Chủ tịch

 

0904.854.459

14

Công đoàn ngành Công Thương

Nguyễn Tuấn Thành

Chủ tịch

3.855.131

0984.474.899

15

Công đoàn ngành Giáo dục

Cầm Thị Mai Phượng

Chủ tịch

3.854.174

0368.199.899

Nguyễn Cảnh Hưng

Phó Chủ tịch

 

0979.789.681

Hướng dẫn số 01/HD-SBA

Tải bản mềm tại đây