Hướng tới vận hành theo mô hình doanh nghiệp số

Lượt xem:


Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện “Năm chuyển đổi số”, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động, đến nay, Công ty Điện lực Sơn La đã cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi số theo chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu vận hành theo mô hình doanh nghiệp số.

Triển khai ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành trạm biến áp 110 kV.

Công ty Điện lực Sơn La triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số với nhiều thuận lợi. Trong đó, nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống máy chủ, các thiết bị truyền dẫn đã được đầu tư cơ bản; hệ thống mạng cáp quang song song với lưới điện quốc gia bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh và điều khiển tự động hệ thống lưới điện; đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân được đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Bảo đảm các mục tiêu chuyển đổi số theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bắt đầu từ năm 2021, Công ty Điện lực Sơn La đã tập trung triển khai tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng, năng lực quản lý vận hành hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, Công ty xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng cán bộ, công nhân. Công ty đã xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân, bảo đảm đủ trình độ, năng lực làm chủ các thiết bị, công nghệ hiện đại, khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, Công ty Điện lực Sơn La đã khai thác hiệu quả phần mềm số hóa trong các lĩnh vực kỹ thuật - an toàn, kinh doanh dịch vụ khách hàng và tài chính kế toán. Đặc biệt, trong lĩnh vực kỹ thuật đã khai thác đầy đủ các phân hệ của phần mềm số hóa quy trình kỹ thuật trong quản lý, vận hành hệ thống lưới điện; như kiểm tra hiện trường lưới điện 110 kV, lưới điện trung thế, hạ thế thực hiện trên app mobile và phần mềm quản lý an toàn lao động (ECP).

Thực hiện sổ theo dõi khắc phục các tồn tại khiếm khuyết lưới điện lưới điện 110 kV; sổ theo dõi nhiệt độ mối nối lưới điện 110 kV; sổ theo dõi kết quả kiểm tra phóng điện cục bộ đường dây và trạm biến áp lưới điện 110 kV; sổ theo dõi sự cố đường dây 110 kV; sổ theo dõi sự cố thiết bị trạm 110 kV; sổ thông số vận hành ắc quy; sổ theo dõi thống kê số lần nhảy máy cắt đường dây; vận hành tụ bù và hệ thống số hóa các quy trình công tác môi trường, giảm tổn thất điện năng...

Ông Phạm Tân Tiến, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế, chia sẻ: Đơn vị đã khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý kỹ thuật, như phần mềm quản lý nhân sự (PMIS), phần mềm GIS, bản đồ sét. Các phần mềm thường xuyên được cập nhật, chuẩn hóa, đã giúp tiết kiệm tối đa thời gian, nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng nguồn lực và tiết kiệm chi phí. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị kỹ thuật được thực hiện dựa trên việc phân tích nhật ký vận hành, thu thập dữ liệu tình trạng thiết bị, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây ra sự cố trên hệ thống lưới điện 110 kV để xử lý kịp thời.

Tại Phòng điều độ, Trung tâm điều khiển xa, các hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn, thu thập dữ liệu, phần mềm phục vụ giám sát đều được số hóa. Ông Trần Ngọc Vinh, Trưởng phòng Điều độ, thông tin: Việc triển khai mô hình trạm biến áp không người trực đã phát huy hiệu quả trong công tác vận hành, điều hành lưới điện. Ngoài ra, việc ứng dụng hệ thống SCADA vào quá trình giám sát, thao tác thiết bị, đã giúp rút ngắn thời gian xử lý sự cố, tiết kiệm nhân lực, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng nền tảng số trong kinh doanh dịch vụ khách hàng đã mang đến nhiều tiện ích. Đặc biệt là hệ thống đo xa tự động thu thập số liệu công tơ bảo đảm, chính xác, minh bạch, giúp khách hàng giám sát và quản lý được điện năng tiêu thụ hằng tháng. Hiện nay, Công ty đã triển khai số hóa 5 bộ quy trình, gồm: Quy trình quản lý hợp đồng và thanh toán tiền điện IPP; quy trình quản lý hợp đồng, quản lý thu nộp tiền điện; quy trình báo cáo hỗ trợ điều hành; quy trình báo cáo quản lý đo đếm; quy trình khảo sát đánh giá chất lượng từ khách hàng. Ngoài ra, Công ty đã phối hợp với các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian cung cấp các giải pháp, tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi.

Có thể nói, Công ty Điện lực Sơn La đã cơ bản hoàn thành việc số hóa toàn bộ dữ liệu lưới điện 110 kV, lưới điện trung áp, dữ liệu CBCNV, khách hàng, các dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng, dữ liệu đo đếm và toàn bộ hồ sơ tài liệu, văn bản, hợp đồng với khách hàng. Các dữ liệu sau khi số hóa đều được chuẩn hóa, đảm bảo chính xác và thống nhất, phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quá trình giám sát, vận hành hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, Công ty đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp vận hành theo mô hình số vào năm 2025 theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo baosonla.org.vn