Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng cơ chế thúc đẩy thương mại, đầu tư

Lượt xem:


Sáng ngày 14/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi Tọa đàm "Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp". Tham dự buổi tọa đàm có các tổ chức, hiệp hội lớn như bà Mrs.Virginia B.Foote, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội, ông Hiromitsu SHO, Giám đốc Jettro Hà Nội, ông Kim Ki Joon, Chủ tịch Kotra Đông Nam Á và Châu Đại Dương, ông Ywert Vessert, Phó Chủ tịch EuroCham… và đông đảo lãnh đạo các tỉnh, doanh nghiệp trên cả nước tham dự.

Khai mạc buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nêu bật tầm quan trọng của những buổi tọa đàm như thế này. Bởi thông qua đây, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, các nhà đầu tư ngoài có cơ hội được bày tỏ mong muốn cũng như quan điểm của mình về môi trường đầu tư tại Việt Nam. TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện Việt Nam đang có 16 đối tác chiến lược và một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ. 17 đối tác này đang đóng góp tới 70% tổng giá trị đầu tư vào Việt Nam và chiếm 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Ông Lộc cũng cho rằng, trước nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới thì Việt Nam cũng mong muốn được đón nhận làn sóng đầu tư “thế hệ mới” với giá trị tăng cao, theo hướng thân thiện với môi trường và định hướng phát triển bền vững. Chính vì vậy, những đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU… sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

 “Doanh nghiệp là động lực chủ yếu trong việc tăng cường quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Chính phủ chỉ có thể tạo môi trường, định hướng và một số lĩnh vực dẫn dắt quá trình thúc đẩy thương mại đầu tư”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Hiện VCCI đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì thự hiện Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược, quan trọng”. Để thực hiện nhiệm vụ, VCCI đã quyết định thành lập “Mạng lưới quốc gia về xúc tiến thương mại đầu tư của Việt Nam” (VITPN), đây được xem là tiền đề để tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư cùng tham gia vào mạng lưới này để kết nối với nhau, phối hợp với nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Virginia B.Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn với các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều tỏ ra băn khoăn về chính sách thuế, kiểm toán bởi có những thông tin không được tích cực về chính sách thuế, thu thuế không được nhất quán tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bà B.Foote cũng bày tỏ mong muốn hệ thống quản lý công của Việt Nam sẽ nâng cao được tính liêm chính, bởi điều này cũng là một trong những tiêu chí quan trọng khi tham gia vào CPTPP mà Việt Nam đã là thành viên.

Tại buổi tọa đàm, đại diện của một số tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Ninh và một số hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã có những chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi xuất khẩu hàng hóa đi sang thị trường của các nước đối tác chiến lược quan trọng và các đề xuất, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.

Hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Ông Hiromitsu SHO, Giám đốc Jettro Hà Nội

Trước đây, để thu hút đầu tư, Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ Nhật Bản cũng đã phải xây dựng nhiều chương trình xúc tiến thương mại để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt chúng tôi rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu – phát triển (R&D). Đây được xem là đòn bẩy giúp Nhật Bản tạo nên những bước đột phá về kinh tế để dần dần trở thành nền kinh tế lớn của thế giới.

Đến nay đã có 3.200 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản, thông qua Jettro đã tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội phát triển để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Việt Nam. Bên cạnh việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, VCCI thì Jettro cũng đang tăng cường việc hợp tác trực tiếp với các tỉnh thành nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh cho phát triển kinh tế. Theo khảo sát của Jettro, có tới hơn 70% các doanh nghiệp được hỏi đều có mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn gặp những khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam như như thủ tục hành chính còn phức tạp, chính sách thuế không có sự ổn định, giá nhân công đang tăng cao…

Doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu lợi nhuận từ các diễn biến tại Trung Quốc

Ông Bjorn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam

Hiện nay chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp cho các doanh nghiệp Đức. Đây chủ yếu là kế hoạch dịch chuyển/đa dạng hóa nguồn cung ứng của các doanh nghiệp Đức từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế phù hợp ở đây vì chi phí lao động đang tăng cao; cơ sở cung ứng giảm ở Trung Quốc; đa dạng hóa các lộ trình cung ứng ra khỏi Trung Quốc nói chung. Hầu hết các yêu cầu/dự án hiện tại của chúng tôi ở trong lĩnh vực công nghiệp, gia công kim loại, dệt may và một phần điện tử. Gia công kim loại, đặc biệt là đúc và tiện. Nói chung, các doanh nghiệp Đức rất hài lòng với Việt Nam và sự phát triển của đất nước khi đến đây.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang đối mặt với một số thách thức tại Việt Nam như:

Với nhiều sản phẩm, chúng tôi không thể đưa ra đủ số lượng nhà cung cấp tại địa phương trong khi đó nhiều đối tác phù hợp nhưng thực ra lại có vốn đầu tư nước ngoài và họ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với chúng tôi thì điều này dường như hơi khó.

Các DN địa phương dường như vẫn thiếu “động lực bán hàng”, chúng tôi thấy họ không quan tâm đến việc phát triển kinh doanh mới.

Các sản phẩm kim loại, các DN Việt Nam có giá bán đắt hơn nhiều so với các DN Trung Quốc, dường như họ chưa tận dụng được lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ.

Nhìn chung, chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thu được lợi nhuận từ các diễn biến tại ở Trung Quốc. Việt Nam có thể phát triển một ngành công nghiệp sản xuất SME mạnh mẽ và sáng tạo.

Ấn Độ và Việt Nam cần xét xét để ký kết các FTA

Ông Vaibhav Saxena, Tổng thư ký Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (InCham Hà Nội)

Ấn Độ và Việt Nam cần xem xét về khả năng ký kết các FTA với các chính sách phù hợp để hỗ trợ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Bởi hiện nay việc hợp tác giữa hai bên vẫn chưa theo đúng tiềm năng, hai nước chưa có các FTA toàn diện và Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện nên chưa có được các lợi ích về thuế cho một số ngành công nghiệp chủ chốt.

Việt Nam và Ấn Độ nên hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính và xem xét xây dựng chính sách cho vay tốt hơn để hỗ trợ đầu tư của Ấn Độ và Việt Nam và ngược lại.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống FDI Control Tower

Ông Kim Ki Joon, Chủ tịch KOTRA Đông Nam Á và Châu Đại Dương

Những khó khăn mà các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam là sự thay đổi các thông tin Quy hoạch, không duy trì những chính sách ưu đãi như cam kết ban đầu… Chính vì vậy, tôi đề xuất cần xúc tiến các chính sách hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp FDI một cách nhất quán bằng hệ thống FDI Control Tower để phòng tránh những trường hợp trên.

Việt Nam cần xây dựng thống FDI Control Tower dưới sự quản lý của Văn phòng Thủ tướng. Để có thể ổn định môi trường đầu tư, điều kiện tiên quyết là tính thống nhất giữa các chính sách. Do đó, cần thiết xây dựng một hệ thống mới có thể điều chỉnh và tập hợp ý kiến của tất cả các cơ quan ban ngành liên quan một cách trực tiếp/gián tiếp với cộng đồng doanh nghiệp FDI như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Theo VCCI