Hỗ trợ thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Lượt xem:


Trong quá trình chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, một số đơn vị gặp khó khăn do phát triển kinh tế tập thể hạn chế; nhiều HTX hoạt động cầm chừng, kết quả sản xuất kinh doanh không cao; quy mô dù tăng song vẫn nhỏ so các thành phần kinh tế khác. Bởi thế, tìm ra những giải pháp vực dậy mô hình kinh tế tập thể là hết sức cấp thiết. Ngày 15/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021- 2025.

Mô hình trồng hoa của HTX Thành Công, xã Ngọc Chiến (Mường La).

 

 

Thực hiện Quyết định, 5 năm qua, tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các HTX, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (đã mở 23 lớp với 1.247 học viên, tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng). Đồng thời, tỉnh còn ban hành Quyết định thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp. Riêng năm 2018, có 13 trí thức trẻ làm việc tại 13 HTX của 11 huyện, thành phố (7 HTX trồng cây ăn quả) với tổng kinh phí 430 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội trợ trong và ngoài tỉnh, như: Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tại siêu thị BigC Hà Nội, Hội chợ thương mại, nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La; các hội chợ, tuần hàng giới thiệu nông sản tại các siêu thị Hapro, Lotte, Vinmart hay tại các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa..., thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến cộng đồng, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

Để nâng cao chất lượng sản phẩm của các HTX, tỉnh bố trí một phần kinh phí từ chương trình khuyến công, khuyến nông, quỹ khoa học công nghệ hỗ trợ 6 HTX chuyển giao công nghệ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi: Chuyển giao mô hình mận chín sớm, chế biến nước mắm, nuôi ong mật, sản xuất thức ăn chăn nuôi, trồng dưa lê vàng, chuối tiêu...; tổ chức 75 hội nghị tuyên truyền kiến thức cho 4.000 sáng lập viên thành lập HTX, Liên hiệp HTX (kinh phí 700 triệu đồng). Bên cạnh đó, hỗ trợ, khuyến khích các HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ban hành các chính sách như: Hỗ trợ các HTX đầu tư lồng nuôi cá; hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng và phát triển 61 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong 3 năm (2016 - 2018), có 25 HTX được vay vốn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho vay 42,8 tỷ đồng; trong đó, 8 HTX cây ăn quả vay 7,2 tỷ đồng; 217 thành viên HTX được vay trên 93 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho 26 HTX vay nguồn vốn luân chuyển 6,2 tỷ đồng (bình quân một HTX được vay 240 triệu đồng).

 

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình phát triển HTX của tỉnh đã có nhiều chuyến biến tích cực. Tính đến 31/3, toàn tỉnh có 568 HTX (471 HTX nông nghiệp, chiếm 82,9%), tổng doanh thu bình quân HTX nông nghiệp đạt 1,7 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 133 triệu đồng/năm. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giúp các HTX từng bước vươn lên, nhiều HTX nông nghiệp nhanh chóng đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho các thành viên, khẳng định vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Sơn La