Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19.

Lượt xem:


Ngày 9/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19. Đồng chủ trì có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh,

phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19 tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

      Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh HTX tỉnh và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

      Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội đất nước, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối tháng 4/2020, trong số 130.000 doanh nghiệp khảo sát thì 86% trong số đó bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp FDI chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ bị ảnh hưởng tiêu cực 88,7%, tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước với 87,3%, doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng ít hơn với 85,5%. Đáng chú ý, doanh nghiệp lớn chịu tác động bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 92,8% số doanh nghiệp; 91,1% nhóm doanh nghiệp vừa bị ảnh hưởng, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng thấp nhất. Tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng thể hiện rõ ở sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quy mô doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2019 tới 13,2%. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ bằng 11,8 tỷ đồng, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lao động của doanh nghiệp mới chỉ có 315.700 người, giảm tới 29,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu thống kê trong 4 tháng đầu năm, có 22.696 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua...  Xác định rõ quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, các bộ, ngành, địa phương đã cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vượt qua từng giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. 

      Tại tỉnh Sơn La, trong quý I, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 20% so cùng kỳ, số doanh nghiệp giải thể tăng 75% so cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 60% so cùng kỳ. Có 47 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với tổng số 2.561 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp... Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch COVID-19; xây dựng kịch bản tăng trưởng quý II/2020 và năm 2020 phù hợp với các phương án kiểm soát dịch bệnh COVID-19; thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ; khẩn trương rà soát các đối tượng thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; tổ chức triển khai nhiều giải pháp thực hiện thu ngân sách đảm bảo sát với thực tế, đạt dự toán gắn với thực hiện các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất...

      Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, nắm bắt cơ hội phát triển trong thời gian tới... Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã tham gia ý kiến đưa ra giải pháp, sáng kiến giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, thích ứng, đổi mới và phát triển bền vững, nâng cao tự chủ trong giai đoạn tiếp theo...

      Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý. Kích cầu, phát triển thị trường nội địa, tăng đầu tư công và thúc đẩy giải ngân. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Đối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; đề xuất với Chính phủ và các cấp, ngành liên quan các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế...

Thủy Ngân

Theo Báo Sơn La (baosonla.org.vn)