Liên kết sản xuất cà phê hữu cơ bền vững

Lượt xem:


Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG (Minh Tiến Group) đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Mai Sơn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm cà phê.

Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với đại diện bản Ót, xã Chiềng Ban

Triển khai từ tháng 9/2022, Minh Tiến Group đã phối hợp với chính quyền các xã khảo sát, đánh giá vùng trồng cà phê; lựa chọn ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với 470 hộ, thuộc 4 bản của các xã Chiềng Mai, Chiềng Ban và Nà Ớt, quy mô sản xuất 560 ha, tổng sản lượng năm 2022 ước đạt hơn 7.800 tấn. Ngoài ra, còn ưu tiên lựa chọn các vùng cà phê liền vùng, liền khoảnh, ít đồi dốc để tuyên truyền, vận động các hộ đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê tham gia mô hình canh tác cà phê hữu cơ với tổng quy mô 60 ha tại 3 bản: Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban; bản Co Sâu, xã Chiềng Mai; bản Ớt Chả, xã Nà Ớt.

Ông Nguyễn Tuấn Sơn, quản lý mô hình của Minh Tiến Group, cho biết: Ngay sau khi ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn các bản hoàn tất quy trình, thủ tục để thành lập HTX tại bản. Chúng tôi đã thành lập đoàn khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ tham gia mô hình, thống nhất định mức hỗ trợ cây giống, phân bón phù hợp và triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất cà phê theo quy trình VietGAP.

Bản Co Sâu, xã Chiềng Mai là một trong 3 địa điểm của huyện Mai Sơn triển khai mô hình canh tác cà phê hữu cơ với 21 hộ đăng ký tham gia, tổng diện tích sản xuất 23 ha. Anh Lò Đức Thắng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Co Sâu, xã Chiềng Mai, chia sẻ: HTX hiện có 11 thành viên, diện tích sản xuất trên 10 ha cà phê. Tham gia chuỗi canh tác cà phê hữu cơ, HTX ký kết hợp đồng sản xuất với Minh Tiến Group, trực tiếp tham gia sản xuất, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ thành viên và bà con địa phương sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn.

Ông Quàng Văn Hồng, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Co Sâu, chia sẻ: Chúng tôi sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, ghi chép lại toàn bộ quá trình sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, thời gian và địa điểm thu hoạch... giúp thuận lợi trong việc giám sát quy trình sản xuất, trích xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Trong vòng 3 năm ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, Minh Tiến Group cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm và có hỗ trợ giá khi cà phê trên thị trường giảm sâu. Chúng tôi hy vọng mô hình sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập gia đình và góp phần cải thiện môi trường bảo vệ sức khỏe của cả người tiêu dùng và người sản xuất.

Mục tiêu năm 2023, Minh Tiến Group tiếp tục tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia mô hình canh tác cà phê theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh quảng bá, nhân rộng mô hình trên địa bàn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ tại Mai Sơn; tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình phân bón hữu cơ vi sinh được làm từ vỏ cà phê tại các hộ gia đình nhằm giải quyết vấn đề môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho nông hộ. 

Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến với các hộ dân hình thành và xây dựng chuỗi cà phê khép kín, gắn chặt quyền lợi, nghĩa vụ của hộ sản xuất và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bao tiêu, thu mua sản phẩm, đáp ứng tính bền vững cả ba mặt kinh tế - xã hội - môi trường.

 

Theo Báo Sơn La