Cấp chứng chỉ hành nghề kế toán cần đề cao kinh nghiệm thực tế

Lượt xem:


Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thời gian qua Bộ Tài chính đã rà soát và lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh hiện có. Đây là động thái kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cộng đồng DN và mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ công cho tất cả các tổ chức, cá nhân.

Theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước thường căn cứ vào chứng chỉ hành nghề để xác nhận khả năng tham gia của các tổ chức, cá nhân trong các ngành nghề đòi hỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Một số chứng chỉ hành nghề nổi bật trong ngành tài chính gồm có:  thẩm định giá, khai hải quan, đại lý thuế, kiểm toán viên và kế toán viên. Theo đó, quy trình thi và cấp các chứng chỉ hành nghề đã thực hiện nhiều năm nay và thu được kết quả tích cực, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đến nay cũng bộc lộ một số điểm chưa phù hợp khi nền kinh tế ngày càng hiện đại, phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế. 
 
Hiện nay, để hành nghề kế toán, DN hành nghề phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 296/2016/TT-BTC với điều kiện tiên quyết là phải cung cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc kiểm toán viên. Muốn vậy, cá nhân phải vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên gồm 4 môn thi là pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp; tài chính và quản lý tài chính nâng cao; thuế và quản lý thuế nâng cao; kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao (theo Thông tư số 91/2017/TT-BTC). Qua thực tế triển khai đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể là, hầu hết người mong muốn hành nghề kế toán đều đã tốt nghiệp đại học ngành kế toán, tài chính. Trong đó, đa số đã nhiều năm đảm nhiệm công tác kế toán tổng hợp, kế toán trưởng trong các DN, các tập đoàn nên về trình độ nghiệp vụ, hoàn toàn đủ khả năng hành nghề. Tuy nhiên, khi tham gia vào các kỳ thi cấp chứng chỉ, do hầu hết nội dung thi thường đề cập đến kiến thức lý thuyết truyền thống từ thời trước đây  nên với những người đã qua nhiều qua năm tháng đi làm, đây lại là hạn chế. Vì thế không ít người có kinh nghiệm thực tế nhưng thi không đạt kết quả, không những gây thiệt thòi cho các cá nhân kế toán lành nghề, mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ công.
 
Một vấn đề khác là, các môn thi để cấp chứng chỉ cũng là các môn học chủ yếu của chương trình đại học. Vì thế, nội dung thi bị trùng lặp kiến thức và không phản ánh hết khả năng hành nghề của kế toán viên. Bởi vì, người ra hành nghề cần kinh nghiệm và kỹ năng nhiều hơn để xử lý các tình huống cụ thể, đồng thời giao dịch với khách hàng và cơ quan  quản lý nhà nước. Theo đó, công tác đào tạo lấy chứng chỉ hiện nay cần xem xét lại theo hướng đề cao tiêu chuẩn, điều kiện về tư duy hành nghề thay thế cho các nội dung đề thi không sát thực.
 
Từ thực trạng này, thiết nghĩ, đã đến lúc nên rà soát lại quy trình, quy chế và nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán và tư vấn thuế. Theo đó, cần mở rộng diện miễn thi cho các đối tượng đã có thâm niên nhiều năm (trên 10 năm) làm kế toán trưởng, hoặc kế toán tổng hợp. Đồng thời, việc đào tạo và thi nên tập trung vào huấn luyện kỹ năng hành nghề, tương tự như hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, công tác thực hành, tập huấn cần được thực hiện thường xuyên và xem đây là cơ sở gia hạn chứng chỉ hàng năm.
 ThS Nguyễn Đức Nghĩa - TGĐ Công ty CP TVTM Trí Nguyễn